Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cần triệt để xử lý ô nhiễm tại Thái Hòa

17/03/2017 00:00

(TN&MT) - Đã tới lúc các ngành chức năng huyện Triệu Sơn cần có biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm thực trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở giặt rửa bao bì, tái chế phế liệu trên địa bàn xã Thái Hòa.

Kéo dài thực trạng ô nhiễm!

Gần 2 năm, chúng tôi mới có dịp quay trở lại Thái Hòa. Lời hứa của vị chủ tịch xã cũ tôi vẫn còn nhớ rất rõ: “Tới tháng 7 xã sẽ quy hoạch thành làng nghề, nếu hộ nào không vào thì xã sẽ cắt điện dừng hoạt động. Việc xả thải ra môi trường xã cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị phải làm đúng quy định để đảm bảo". Thế nhưng nay ông Lê Bá Triệu đã về hưu. Các cơ sở giặt rửa bao bì  vẫn ngổn ngang và đang từng ngày “bức tử” sông Nhơm.

Bể lắng thô sơ, quá tải khiến nước thải, chất thải quá tải.
Bể lắng thô sơ, quá tải khiến nước thải, chất thải quá tải.

Xã Thái Hòa hiện có 14 cơ sở giặt bao bì phế liệu. Chỉ riêng khu vực xung quanh cầu Đồng Vặng bắc qua sông Nhơm có đến 4 cơ sở giặt bao bì phế liệu đang hoạt động hết công suất. Các loại bao bì đã qua sử dụng sau khi được tập kết về đây sẽ được tách, phân loại, sơ chế, cho vào máy giặt... Chừng 15- 20 phút, từ một bao xi-măng trở nên trắng tinh, sạch sẽ. Và những thứ thải ra sau quá trình giặt rửa là khí bụi, chất thải bốc mùi nồng nặc, nước thải đục ngầu...tất cả đều được đổ ra sông Nhơm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đi dọc khắp các thôn xóm của xã Thái Hòa đâu đâu cũng gặp các cơ sở giặt rửa bao bì. Hộ gia đình chỉ cần bỏ ra từ 3-4 triệu sắm một chiếc máy là có thể hành nghề. Bao bì được thu mua từ khắp nơi, tập kết về. Công nhân thuê tại địa phương. Lợi ích kinh tế là điều không ai phủ nhận. Thế nhưng bài toán môi trường ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ của chính quyền huyện Triệu Sơn.

Sau đó chảy thẳng xuống sông Nhơm.
Sau đó chảy thẳng xuống sông Nhơm.

Thiết nghĩ, việc giặt rửa bao bì phế liệu cũng không có chất thải nguy hại. Mỗi cơ sở chỉ cần đầu tư ít vốn, đào và xây bể lắng tùy vào công suất hoạt động. Để lắng lọc chất thải, rồi nước trong thì thải ra môi trường. Thế nhưng, người dân vẫn chưa ý thức được tác hại của việc để chất thải, nước thải chảy tràn lan ra sông, ra môi trường.

Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn xã Thái Hòa còn tồn tại 2 cơ sở tái chế nhựa, gần khu dân cư. Một của gia đình anh Vũ Trọng Thiệp, hai là của anh Hoàng Minh Văn ở thôn Thái Phong. Máy móc thô sơ, chỉ dùng nhiệt để đốt cháy các loại nhựa phế liệu, thừng chảo. Tiềm ẩn nguy hại sức khỏe rất nghiêm trọng.

Hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Theo các nhà khoa học, nylon có dẫn chất lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất hại cho phổi. Nylon bị đốt sẽ sinh ra các chất có hại như: dioxin, furan gây khó thở, giảm khả năng miễn dịch ở con người.

Ông Nguyễn Văn H, thôn Thái Phong bức xúc nói: Người dân sống ở đây khổ trăm đường, bị bao quanh bởi “giặc rác”. Các cở giặt bao bì thì thi nhau thải ra sông Nhơm. Còn các cơ sở nấu nhựa thì hoạt động gần khu dân cư, mùi khét không thể nào chịu nổi. Chẳng mấy năm nữa lại thành làng ung thư mất.

Vẫn chờ biện pháp của ngành chức năng huyện Triệu Sơn?

Được biết, UBND huyện Triệu Sơn đã nhiều lần xử phạt các cơ sở tái chế bao bì. Tuy đã có quy định bắt buộc mỗi cơ sở phải đầu tư 1 công trình xử lý nước thải, nhưng với tần suất hoạt động như hiện nay thì tất cả các ao lắng đều đã quá tải. Và có một thực tế, huyện Triệu Sơn cũng như xã Thái Hòa hiện tại chưa có một thiết bị nào để kiểm nghiệm nước thải từ các cơ sở tái chế bao bì xả ra sông Nhơm. 

Xưởng nấu nhựa gần khu dân cư, khiến người dân bức xúc.
Xưởng nấu nhựa gần khu dân cư, khiến người dân bức xúc.

Trao đổi với ông Lê Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Thái Hòa được biết: Hiện tại trên địa bàn có 14 cơ sở giặt bao bì đang hoạt động. Xã cũng hướng dẫn cho các hộ xây dựng bể lắng, nhưng nhiều hộ không thực hiện. Nước thải, chất thải vẫn đang xả trực tiếp ra môi trường, mà tập trung là sông Nhơm. Hai hộ anh Thiệp và anh Minh đang nấu nhựa và dây thừng gần khu dân cư cũng khiến xã đau đầu.

Còn bà Lê Thị Xuân – Phó phòng TN&MT huyện Triệu Sơn thì khẳng định: Đầu tháng 4 huyện sẽ đi thanh, kiểm tra các cơ sở giặt bao bì, tái chế phế liệu trên địa bàn xã Thái Hòa. Hộ nào thải ra môi trường sẽ bị xử phạt, yêu cầu xây dựng bể lắng lọc. Nếu không sẽ cho dừng hoạt động?

                                                                   Bài và ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cần triệt để xử lý ô nhiễm tại Thái Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO