Tổng cục Môi trường: Thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách bảo vệ môi trường

15/07/2017 00:00

(TN&MT) - Trong suốt cả năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có. Song Tổng cục Môi trường  đã xác định rõ thực hiện nhiều giải pháp tích cực từ đó đạt được những kết quả nhất định, đóng góp quan trọng vào những thành công chung của toàn ngành tài nguyên và môi trường.

Tăng cường các biện pháp quản lý

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục đã thành lập các Đoàn thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố. Đối với các đoàn thanh tra đã tổ chức trong năm 2016, đã hoàn thành việc ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 81.214 tỷ đồng và 825 kết luận thanh tra.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã phê duyệt 02 báo cáo ĐMC (trong tổng số11 hồ sơ tiếp nhận),129 báo cáo ĐTM (trong tổng số 440 hồ sơ tiếp nhận), 12 đề án BVMT chi tiết (trong tổng số 20 hồ sơ tiếp nhận);cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho 116 dự án (trong tổng số 137 hồ sơ tiếp nhận); tổ chức thẩm định 08 hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

Lãnh đạo Bộ TN&MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại Thái Bình
Lãnh đạo Bộ TN&MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại Thái Bình

Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho biết: Tổng cục đã cấp mới, cấp điều chỉnh 20 Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (trong tổng số 162 hồ sơ tiếp nhận), 03 Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (trong tổng số 05 hồ sơ tiếp nhận) , 26 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (trong tổng số 72 hồ sơ tiếp nhận), 02 Quyết định chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu (trong tổng số 02 hồ sơ mới tiếp nhận), 44 Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (trong tổng số 90 hồ sơ tiếp nhận), 02 văn bản chấp thuận điều chỉnh về quy mô, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, danh mục ngành nghề trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (trong tổng số 12 hồ sơ tiếp nhận), 03 giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường (trong tổng số 04 hồ sơ mới tiếp nhận), 02 Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam (trong tổng số 06 hồ sơ tiếp nhận); tiếp nhận, xem xét 08 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, 07 hồ sơ đề nghị cho phép vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại.

Đồng thời, Tổng cục đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 218/435 cơ sởgây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, tăng 47 cơ sở so với năm 2016 (đạt tỷ lệ 50%).

Xử lý kịp thời sự cố môi trường

Đánh giá của Tổng cục Môi trường và các cơ quan chuyên môn thừa nhận, thời gian qua, liên tiếp các sự cố môi trường xảy ra trên phạm vi cả nước với mức ảnh hưởng nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy, Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý được gần 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường . Ngoài ra, Tổng cục cũng chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;đã thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam , thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả giám sát; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An,…

Song song với việc xử lý kịp thời các sự cố, Tổng cục Môi trường cũng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư và xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn có quy mô lớn như Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 (Hà Nội). Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, thực hiện 53 dự án di dời, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý ô nhiễm từ nước rỉ rác và áp dụng kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác thuộc đối tượng công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương; triển khai các dự án xây dựng 07 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh với tổng kinh phí 9.683 tỷ đồng.

Ý thức bảo vệ môi trường đã được phát huy  từ các bạn trẻ
Ý thức bảo vệ môi trường đã được phát huy từ các bạn trẻ

Tại các địa phương, tính đến nay đã có 56 dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được hoàn thành. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có gần 20 chương trình, dự án thu gom, xử lý chất thải rắn tại các địa phương được thực hiện từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng kinh phí hơn 400 triệu USD. Đến nay, trên phạm vi cả nước có 10 nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành, tăng 37% so với năm 2014. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 5% so với năm 2014.

Dù còn nhiều vướng mắc, tồn tại và khó khăn song với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng công tác BVMT nước ta trong 6 tháng qua đã đạt được một số kết quả, nhiều vấn đề môi trường đã được quan tâm giải quyết. Áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường đã dần được kiểm soát tốt hơn; nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu. Ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường ở một số nơi đã được cải thiện; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả.

Thái Bình

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Môi trường: Thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO