Giảm HCFC - Giảm lỗ thủng tầng ô-dôn
Là một thành viên tham gia Nghị định thư Montreal từ năm 1994, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào tiến trình “vá trời” không ngừng nghỉ của nhân loại. Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal và đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng từ 1/10/2015. Việc thực hiện thành công Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn I từ năm 2012 đến năm 2017 góp phần thực hiện đầy đủ những cam kết do Việt Nam đóng góp. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ trong sản xuất xốp cách nhiệt, góp phần loại trừ 1.300 tấn HCFC-141b nguyên chất và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol. Qua đó đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC đáp ứng được lộ trình cam kết.
Tiếp nối giai đoạn I, Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II được triển khai từ năm 2018 đến năm 2023 (HPMP II). Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan đầu mối, được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Dự án với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC 22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; bảo đảm để Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 đến hết năm 2024.
Dự án HPMP giai đoạn II còn hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng các công nghệ thay thế không làm suy giảm tầng ô-dôn, có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp và cải thiện hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí; đồng thời tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền phổ biến các công nghệ không sử dụng HCFC trong tất cả các lĩnh vực liên quan.
Đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án và Ngân hàng Thế giới làm việc tại doanh nghiệp. |
Hỗ trợ từ chính sách đến kỹ thuật
Dự án HPMP giai đoạn II triển khai một số nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ trong sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh và sản xuất xốp; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và tay nghề cho đội ngũ giảng viên tại các trường nghề, kỹ thuật viên tại các cơ sở đào tạo về sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh.
Trên cơ sở đó đã đề xuất cơ quan quản lý ban hành quy định về hạn ngạch nhập khẩu HCFC đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC của Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2025; xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất (TCVN 13334:2021 ngày 8/6/2021); thực hiện rà soát các quy định, tiêu chuẩn an toàn trong lĩnh vực điều hòa không khí gia dụng để đưa ra các khuyến nghị sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn về thử nghiệm hiệu suất và các biện pháp an toàn đối với điều hòa không khí sử dụng HFC 32.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của thực tiễn, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự thực hiện chuyển đổi công nghệ sản xuất không sử dụng chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Trong khi đó, yêu cầu của Quỹ Đa phương đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định nên các doanh nghiệp gặp một số khó khăn khi tham gia Dự án. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc chuyển đổi công nghệ... Mặc dù vậy, Dự án đã nỗ lực trong việc xác định các doanh nghiệp phù hợp và hiện đang hỗ trợ xây dựng, triển khai 7 tiểu dự án tại các doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực: Công ty Yantai Moon, Công ty Saree, Công ty Trần Hữu Đức (lĩnh vực xốp); Công ty Hòa Phát, Công ty REE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa (lĩnh vực điều hòa không khí); Công ty Phương Nam (lĩnh vực làm lạnh). Việc lựa chọn chuyển đổi sang công nghệ thân thiện với môi trường thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội trong việc loại trừ các chất được kiểm soát, đồng thời giúp các doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong tình hình mới.
Về đào tạo tăng cường năng lực, Dự án đã tổ chức 3 khóa đào tạo cho hơn 70 giảng viên nguồn của 39 trường cao đẳng và trung cấp dạy nghề trên phạm vi cả nước. Qua đó đã hình thành và mở rộng mạng lưới giảng viên nguồn nhằm tăng cường sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ về đào tạo kỹ thuật viên trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Dự án đang hoàn thiện tài liệu “Sổ tay hướng dẫn nguyên tắc thực hành tốt trong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị sử dụng môi chất lạnh HCFC và môi chất lạnh thay thế” phục vụ đào tạo cho 3.000 kỹ thuật viên trong giai đoạn 2021 - 2023 theo kế hoạch đề ra.
Các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quản lý, loại trừ các chất HCFC đã được tổ chức triển khai khá đồng bộ, bao gồm đào tạo cho cán bộ hải quan về nghiệp vụ hải quan đối với các chất quản lý trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal với sự tham gia của 60 đại biểu từ Chi cục Hải quan trên cả nước. Trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện các nội dung hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý, loại trừ các chất HCFC, trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đồng thời mong muốn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng những công nghệ thân thiện môi trường, bảo vệ tầng ô-dôn góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.