Biến đổi khí hậu

ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn từ sớm, từ xa:Về vùng hạn, mặn

Văn Lê - Thanh Bạch 23/04/2024 12:09

(TN&MT) - Từ đầu mùa khô năm 2023 - 2024 đến nay, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa ít, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL. Bước đầu đã ghi nhận những ảnh hưởng đối với cơ sở hạ tầng, cây trồng, nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Những thiệt hại ban đầu

Vào giữa tháng 4/2024, thời gian cao điểm của mùa khô 2023 - 2024, các huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu là những địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô trong những năm gần đây. Hiện tại, đồng ruộng tại một số địa phương khô nước, đất nứt nẻ, nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào các sông, kênh rạch gây khó khăn cho việc lấy nước sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân, một số khu vực ven biển đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Tình trạng nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương khiến cho hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Long An, hiện có khoảng 5.000 hộ dân ở Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt. Còn tại Cà Mau, có hơn 2.600 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Đối với tỉnh Bến Tre, mặc dù đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho người dân sử dụng, song đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

h2.jpg
Do ảnh hưởng của hạn hán, nhiều tuyến sông, kênh, rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL đang cạn nước

Từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay, nắng nóng gay gắt đã làm cho mực nước trên các sông, kênh, rạch xuống thấp, khiến cho đất bị co ngót dẫn đến tình trạng sụt lún, lở đất ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tại huyện Trần Văn Thời đã xuất hiện tổng cộng 601 điểm sụt lún, sạt lở tại 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài gần 16km. Với tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự báo, thời gian tới, các địa phương như Trần Văn Thời, U Minh,… sẽ xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông gây khó khăn cho giao thương hàng hóa.

Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ cũng đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch, gây nhiều thiệt hại về đất đai, tài sản của người dân. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở đất tại các địa phương này, trong đó có nguyên nhân nguồn nước trên các sông, kênh, rạch xuống thấp làm cho đất bị mất nước, co ngót, dẫn đến tình trạng sạt lở.

Theo các cơ quan quản lý, nhà khoa học, mặc dù phạm vi mặn xâm nhập từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay cao hơn mức trung bình nhiều năm trước nhưng đã giảm thiểu được thiệt hại gây ra cho người dân. Để có được kết quả này là do có sự linh hoạt, chủ động trong việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa của các cấp chính quyền địa phương và người dân. Vào những ngày cuối tháng 4/2024, theo dự báo của ngành chuyên môn, tình trạng nắng nóng khô hạn, xâm nhập mặn sẽ còn diễn ra rất gay gắt.

Chủ động các giải pháp

Để đảm bảo đủ nguồn nước sản xuất cũng như sinh hoạt cho người dân, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Đơn cử tại tỉnh Sóc Trăng, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất hơn 20.000ha lúa Đông Xuân muộn nằm trong kế hoạch, hiện nay ngành chức năng của địa phương này đang thường xuyên quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch để thông báo cho người dân địa phương lấy nước bổ sung vào đồng ruộng phục vụ sản xuất.

Đồng thời, các đơn vị cấp nước đô thị và nông thôn tại những địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre,… tổ chức tìm kiếm nguồn nước, đấu nối đường ống dẫn nước liên thông từ các nhà máy để cấp nước đến người dân; đồng thời hỗ trợ tiền mua dụng cụ chứa nước, giảm giá hóa đơn tiền nước, dùng phương tiện chuyên dụng chở nước đến cấp phát hàng ngàn lít nước miễn phí cho các hộ dân ở những khu vực đang thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Để thực hiện tốt công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ triển khai thực hiện các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng ĐBSCL. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cống, âu thuyền kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và tuyến quản Lộ Phụng Hiệp; hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ Phụng Hiệp; sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1A…

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Qua nhiều đợt hạn mặn khốc liệt nên địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó. Tỉnh đã chỉ đạo từ rất sớm công tác phòng chống hạn, mặn và phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Người dân rất chủ động trong việc trữ nước nên đến thời điểm này, không có ảnh hưởng lớn đến đời sống và cây ăn trái như những năm trước. Hiện tại, tại các vùng ảnh hưởng hạn mặn, tỉnh chỉ đạo các nhà máy cần có sự liên kết để chuyển nước ngọt về cho người dân.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho hay, để thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung tuyên truyền cho người dân để ứng phó với xâm nhập mặn; chủ động quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là các điểm xung yếu tại các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất; điều tiết hợp lý các hệ thống công trình cung cấp nước sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, hiện tại, Sở đang chỉ đạo theo dõi chặt chẽ dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thông tin kịp thời đến người dân; cung cấp nguồn nước ngọt đủ tưới trong thời kỳ sinh trưởng của cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn kéo dài; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; vận hành các trạm bơm điện đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn từ sớm, từ xa: Về vùng hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO