Huy động nguồn lực hoàn thành cấp GCNQSDĐ
Thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, Chỉ thị 05/TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Kế hoạch của tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu đã thành lập Tổ công tác giúp UBND huyện triển khai thực hiện dự án cấp GCNQSDĐ đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện là Tổ trưởng; thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp GCNQSDĐ lần đầu.
Đồng thời, để đảm bảo tiến độ cho công tác thẩm định, UBND huyện đã trưng tập 4 đồng chí cán bộ địa chính xã về thực hiện nhiệm vụ tại Phòng TN&MT, là các cán bộ có kinh nghiệm, trình độ trong thẩm định hồ sơ, thuộc địa bàn các xã không có dự án, các xã có 2 công chức địa chính.
Kết quả, tới hết tháng 6/2020, huyện Thuận Châu đã cơ bản hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu. Cụ thể, với đất ở, qua rà soát ban đầu, đã có quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho 4.351/4.705 hộ. Còn 354 hộ chưa có quyết định công nhận quyền sử dụng đất, do các hộ này nằm trong phần diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thuận Châu và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Copia - Thuận Châu (đã đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng). Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan phối hợp với chủ rừng tiến hành rà soát các diện tích cần thu hồi để hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi phần diện tích trên. Sau khi có Quyết định thu hồi, UBND huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ và cấp GCNQSDĐ cho người dân. Ngoài ra, có 271 hộ không đủ điều kiện, do không phù hợp quy hoạch, đất đang phát sinh tranh chấp…
Với đất sản xuất nông nghiệp, đã có quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho 10.465/10.819 hộ. Còn 170 hộ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận và 354 hộ chưa có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 tới nay, huyện Thuận Châu đã chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở cho 18 trường hợp, tổng diện tích hơn 3.200 m2; phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thu hồi đất thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng xây dựng 10 dự án cấp thiết…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã tổ chức thành công 1 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu được UBND tỉnh giao thực hiện năm 2020.
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thuận Châu thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ |
Tạo đột phá trong công tác bảo vệ môi trường
Đã từng là địa phương có nhiều “điểm nóng” về các cơ sở sơ chế cà phê, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cho TP. Sơn La, từ năm 2019 tới nay, huyện Thuận Châu đã có nhiều đổi mới trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường.
Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng Phòng TN&MT huyện Thuận Châu cho biết: Trước khi bước vào niên vụ cà phê, huyện đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức 1 Hội nghị hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong sơ chế nông sản tại xã Muổi Nọi. Giao các ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn huyện.
Thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Kết quả, Tổ công tác liên ngành của UBND huyện đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm theo thẩm quyền 17 trường hợp. Phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với một số cơ sở chế biến nông sản như: Chi nhánh Công ty Cát Quế tại xã Muổi Nọi, xưởng chế biến nông sản của hộ gia đình bà Khúc Thị Vân (xã Chiềng Pha), Khúc Thị Tuyết (xã Phổng Lái)..., kịp thời yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại sau thanh, kiểm tra.
Cùng với đó, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn, trọng tâm là công tác bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, môi trường trong khu dân cư.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng các ngày lễ về môi trường. Đã tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, huy động hơn 200 người tham dự, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi cây dọc đường nội bản và liên xã. Tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai các văn bản mới lĩnh vực TN&MT cho lãnh đạo, công chức, viên chức, cán bộ các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, công chức địa chính - xây dựng - môi trường 29 xã, thị trấn.
UBND huyện Thuận Châu ra quân Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 |
Đẩy mạnh hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đã tổ chức 2 đợt thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 26/28 xã, với tổng lượng thu gom đạt hơn 1.400 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Vận động và huy động người dân vào cuộc, đào hố rác, hố thấm nước để bảo vệ môi trường nông thôn…
Có thể nói, từ năm 2019 tới nay, công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Thuận Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường được tăng cường, nên mức độ gia tăng ô nhiễm dần được hạn chế; công tác thu gom, xử lý rác thải từng bước chuyển biến. Việc giải quyết đơn thư, ý kiến cử tri và dư luận xã hội được xem xét, kiểm tra, xử lý kịp thời, hạn chế được các vấn đề bức xúc về môi trường trên địa bàn huyện. Kết quả quan trắc môi trường không khí, nước mặt, môi trường đất cho thấy chất lượng môi trường huyện Thuận Châu diễn biến tương đối ổn định. Đa số các thông số có sự biến động không lớn và đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.
Tuy vậy, do thiếu trang thiết bị để kiểm tra môi trường nên việc đánh giá mức độ ô nhiễm còn nhiều hạn chế, chủ yếu đánh giá bằng trực quan. Đối tượng tác động trực tiếp đến môi trường phần lớn là các hộ gia đình, cá nhân, kinh tế gia đình chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế nông sản, ý thức chấp hành pháp luật còn ở mức thấp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm xuống mức thấp nhất. Vận động người dân, cộng đồng dân cư mạnh dạn đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vận động di chuyển chuồng trại ra khỏi khu dân cư.
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm ngay từ khi mới có hành vi vi phạm. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây bức xúc cho nhân dân.