Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Khí tượng thủy văn; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục KTTV.
Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT có liên quan đến công tác này. Thứ trưởng cho rằng,thời gian qua, chúng ta đang giữ tư duy cảnh báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm, tập trung vào dự báo bão, lũ trong khi thực tế có đến 19 loại hình thiên tai khác nhau. “Mối lo nhất hiện nay của Chính phủ liên quan đến thời tiết là gì? dịch tả lợn châu Phi, mất mùa ở Bắc Bộ... tất cả vấn đề đó đều liên quan đến thời tiết nhưng chúng ta chưa nghĩ tới” - Thứ trưởng nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, chúng ta chưa nhìn vào nhu cầu kinh tế xã hội để thay đổi tư duy dự báo. “Về cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, năm nay có gì mới hơn năm ngoái chưa? Bản đồ dự báo mưa định lượng năm chủ yếu là vệ tinh, ảnh rada, vậy thì năm nay có gì hơn chưa? Công tác kiểm tra phòng chống lụt bão trong hệ thống nội bộ năm nay có gì khác với năm ngoái? Các hệ thống trạm tự động đã được tổng hợp từ các hệ thống trạm tự động? Chúng ta định làm gì để ứng dụng cảnh báo trên hệ thống di động?” - Thứ trưởng đặt một loạt câu hỏi.
Trước đó, báo cáo công tác phòng chống thiên tai năm 2019, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, Tổng cục KTTV phối hợp với các đơn vị đang xây dựng dự thảo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ và Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai. Các dự thảo chú trọng vào yếu tố địa phương và chi tiết hơn đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Dự kiến trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng ban hành trong năm 2019. Tổng cục cũng đang đánh giá về tính phù hợp của quy định cấp độ rủi ro thiên tai và lập kế hoạch xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai (dự kiến hoàn thành trong năm 2020).
Đối với công tác dự báo, cảnh báo KTTV, Tổng cục đã tổ chức, phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong hệ thống cảnh báo, dự báo KTTV quốc gia. Trong đó, Tổng cục tập trung triển khai mô hình dự báo thời tiết đến 3 ngày cho miền tính bao phủ Việt Nam (gồm cả Biển Đông) với độ phân giải 3x3km trên hệ thống máy tính Cray mới được trang bị. Ngoài ra, dự báo thời tiết điểm tổ hợp 32 thành phần cũng đã được triển khai trên hệ thống máy tính này. Hệ thống đồng hóa số liệu đang được nghiên cứu áp dụng cho mô hình phân giải cao này và dự kiến năm 2020 sẽ chính thức được vận hành.
Đáng chú ý, bản đồ ước lượng lượng mưa cho 3h tới đã được thử nghiệm xây dựng. Hiện nay, Tổng cục đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng miền tính rộng hơn, bao trùm cả lưu vực sông Mê Kông. Tổng cục cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện dự báo thử nghiệm chỉ số UV trong các đợt nắng nóng và lập kế hoạch, phương án phổi hợp với Tổng cục Môi trường, Viện Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu triển khai dự báo ô nhiễm không khí cho các đô thị lớn.
“Ngoài các bản tin dự báo, cảnh báo tháng, mùa định kỳ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng tuần, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia bổ sung bản tin nhận định xu thế KTTV, thiên tai KTTV cho 7-10 ngày tiếp theo và gửi các đơn vị truyền thông của Tổng cục, Bộ TN&MT và báo chí để phổ biến. Công tác kiểm tra phòng chống thiên tai tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục cũng đang được triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trước 31/5/2019 đối với các Đài KTTV khu vực phía Bắc và trước 15/6/2019 đối với các Đài KTTV phía Nam” - Báo cáo nêu rõ.
Mặc dù công tác phòng chống thiên tai đã và đang được Tổng cục KTTV tích cực triển khai; tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo, mạng lưới trạm và thông tin dữ liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là trình độ của cán bộ chuyên môn kỹ thuật khí tượng thuỷ văn nói chung và của dự báo viên khí tượng thuỷ văn nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp khu vực và cấp tỉnh. Sự chia sẻ thông tin chi tiết từ các bộ, ngành, địa phương trong việc phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo, đặc biệt là thiên tai lũ quét, sạt lở đất; các thông tin về hoạt động kinh tế - xã hội; các thông tin về địa chất, địa hình, địa mạo còn bất cập.
Trước thực tế đó, Tổng cục KTTV kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước cũng như đãi ngộ các cá nhân có năng lực cao và đang làm việc ở nước ngoài về nước làm việc trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV; đầu tư cho vận hành mạng lưới trạm quan trắc tự động. Có cơ chế đặc biệt về tài chính giúp chủ động công tác vận hành thay thế, khắc phục sự cố máy móc hư, hỏng đột xuất của hệ thống các trạm đo mưa tự động quốc gia. Cho phép xây dựng các phương án truyền tin dự phòng.
Tại cuộc họp, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị góp ý vào công tác dự báo KTTV phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2019 và thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Lê Công Thành một lần nữa đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ cần thay đổi cách làm dự báo theo hướng: Nhanh, hiện đại, cụ thể, và chi tiết. Đồng thời các đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phòng chống thiên tai năm 2019, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Chúng ta làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan một cách cụ thể để các Ngành, các Địa phương có kế hoạch ứng phó chính là góp phần giảm thiểu thiệt hại, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước…” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH: "Chủ động trong công tác phối hợp giám sát, cảnh báo và phòng chống thiên tai" Thực hiện Quy chế phối hợp về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Viện thường xuyên cập nhật các nhận định xu thế El Nino, hạn hán, nắng nóng và cung cấp thông tin cho Tổng cục KTTV; đồng thời, duy trì “Hệ thống giám sát và cảnh báo hạn hán thời gian thực cho Việt Nam” trên cơ sở số liệu viễn thám của Nhật Bản. Viện cũng cử cán bộ tham gia các thảo luận định kỳ hàng tháng/quý với Trung tâm Dự báo KTTVQG để nhận định xu thế khí hậu. Và cử cán bộ Lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật tham gia đầy đủ và báo cáo tại các buổi họp thảo luận trực tuyến về cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ quét, trượt lở đất đá. Ông Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (KHĐC&KS): "Phát huy hiệu quả bản đồ hiện trạng và bản đồ phân vùng cảnh báo" Công tác điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở đã và đang được triển khai đồng bộ, đạt được các kết quả đáng tin cậy. Những sản phẩm này đã và đang được chuyển giao đến các địa phương. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả thì những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích: sơ tán dân ra khỏi các khu vực đang trượt lở hoặc có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao; tích hợp các sản phẩm vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng... Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (QL TNN): "Chia sẻ dữ liệu để làm công tác giám sát, vận hành các hồ chứa" Trong số 67 hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa, có gần 40 hồ có dữ liệu về quan trắc nguồn nước, dung lượng tự động đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu của Cục Quản lý tài nguyên nước cùng với chia sẻ dữ liệu của Tổng cục KTTV để làm công tác giám sát, vận hành các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa mà Chính phủ ban hành. Cục Quản lý tài nguyên nước duy trì hoạt động giám sát việc tích nước, xả nước của các hồ chứa, đập thủy điện này để có thông tin gửi lãnh đạo Cục chỉ đạo các hồ chứa vận hành đảm bảo đúng quy trình. Đồng thời, rà soát tình hình nguồn nước trên các sông, suối cũng như các tầng chứa nước trên cơ sở dữ liệu đã được cấp phép để có văn bản nhắc nhở các cơ quan, chủ đơn vị khai thác sử dụng nước chủ động kế hoạch khai thác sử dụng nước. |