Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030
(TN&MT) - Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 847/QĐ-TTg. Mục tiêu chung là bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển của các quốc gia thượng nguồn.
Cụ thể, Quy hoạch hướng đến năm 2030 sẽ tưới, cấp nước cho 3,2 triệu ha lúa; 70% - 90% diện tích cây trồng cạn, cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu; cấp đủ nước cho khoảng 10,5 triệu con gia súc, gia cầm... Cấp đủ nước cho sinh hoạt nông thôn, chăn nuôi, thủy sản tập trung; tạo nguồn cấp cho đô thị, công nghiệp và nhu cầu khác.
Đồng thời bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tổng dung tích tăng thêm 360 triệu m3.
Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu và mục tiêu nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác; hướng đến nâng cao năng lực phòng, chống giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.
Cụ thể hoá mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và tham mưu Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, thủy lợi là một trong những hạ tầng quan trọng của quốc gia, không chỉ để phát triển nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào phát triển bền vững của Việt Nam.
Để quy hoạch không ở trên giấy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương rà soát lại các cơ chế chính sách, đề xuất Chính phủ, Quốc hội cơ chế chính sách đột phá về nguồn lực và nhân lực để giải quyết các mâu thuẫn, để thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phối hợp và có giải pháp để thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, trình HĐND cấp tỉnh tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư công trình trên địa bàn; bảo đảm công tác đầu tư đồng bộ, khép kín, phát huy hiệu quả.
Tại lễ công bố, nhiều ý kiến cho rằng việc chủ động nguồn nước trong các tình huống có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước nói riêng về an ninh nguồn nước nói chung hết sức quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện quy hoạch cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ, ngành và các địa phương để sử dụng nguồn nước quản lý, khai thác nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu. Theo đó sẽ phát huy được hết hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đề xuất trong quy hoạch.
Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh sẽ cập nhật và điều chỉnh quy hoạch của tỉnh tuân thủ các định hướng của quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung một số công trình thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống đập tràn tại khu vực Cống Xuân quan trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhằm bổ sung nguồn nước để pha loãng cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất.