Sức sống mới ở Nậm Khắt

Thanh Ngà| 09/03/2023 11:35

Nậm Khắt là xã thuộc Mù Cang Chải (Yên Bái), vốn là vùng đất khó với địa hình đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, nhiều nơi một năm người dân chỉ canh tác duy nhất một vụ lúa. Trong những năm gần đây, xã đã chủ động, tích cực đưa các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát huy được lợi thế sẵn có của địa phương, nhờ đó đã giúp cho nhiều hộ gia đình xoá được đói, giảm được nghèo.

Cây trồng mới trên vùng đất khó

Anh Lã Văn Chương là người đã mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng, thuê 12ha đất ruộng một vụ của người dân để trồng hoa hồng tại xã Nậm Khắt từ năm 2019. Với sự đầu tư đúng hướng cùng niềm đam mê, tâm huyết dành trọn cho vùng đất này mà hoa hồng của anh đã phát triển và sinh trưởng rất tốt.

psnamkhat.mp4.00_00_14_16.still003.jpg
Hoa hồng sinh trưởng và phát triển rất tốt trên vùng đất khó của huyện vùng cao Mù Cang Chải

Theo anh Chương, mỗi 1ha hoa hồng sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng nếu thuận lợi sẽ cho thu khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/1ha/năm. Hiện nay, 12ha đất trồng hoa hồng của anh Chương đã giúp cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng.

“Bản thân tôi cũng đi tìm hiểu rất nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc, khi tới đây tôi cảm thấy vùng đất này có khí hậu rất thích hợp để trồng cây hoa hồng. Nhờ có khí hậu phù hợp mà hoa ở đây nở rất to, cánh hoa rất dày và đẹp. Tôi trồng hoa ở rất nhiều nơi nhưng hoa ở đây là đẹp nhất”, anh Lã Văn Chương chia sẻ.

Cũng giống anh Chương, anh Nguyễn Hoàng Anh vốn sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng rời phố thị để đến vùng đất Nậm Khắt để thành lập Hợp tác xã Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải (HTX).

Anh Nguyễn Hoàng Anh cho biết: HTX  được thành lập từ năm 2019. Đến nay HTX đã cung ứng ra thị trường từ 300-400 tấn nấm. Hiện nay nấm hương tươi có giá thành tương đối cao từu 65.000-70.000 đồng/1kg.

psnamkhat.mp4.00_01_49_09.still010.jpg
Hàng năm Hợp tác xã Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đưa ra thị trường hàng ki lô gam nấm

Nấm hương là loại nấm không hề dễ trồng, yêu cầu điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cho đến môi trường sống phải đạt điều kiện tiêu chuẩn. Để trồng nấm cần chọn những loài cây không có tinh dầu để làm giá thể trồng nấm, không chứa các chất độc tố dầu mỡ, hóa chất…

Cùng với đó, nấm hương được cấy trong các tủ cấy vô trùng sang túi mùn cưa theo tỷ lệ 2,5 – 3% lượng giống so với nguyên liệu, thông thường một chai giống 400g thì cấy được từ 20-25 túi mùn cưa. Mỗi đợt nuôi trồng thường kéo dài từ 4 – 5 tháng. Trong suốt quá trình chăm sóc cần chú ý đảm bảo việc tưới nước theo đúng nguyên tắc. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi mà cây nấm sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Cùng với đó, ngoài phát triển mô hình trồng nấm hương HTX còn triển khai trồng thử nghiệm một số loài cây trồng khác như: Củ rền, rau cải mầm đá... Sau một thời gian trồng thử nghiệm tất cả các loại cây trồng đều phát triển rất tốt. Nhờ đó, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương.

Giúp người dân xoá đói, giảm nghèo

Vẫn là mảnh đấy ấy, con người ấy nhưng Nậm Khắt hôm nay như khoác lên mình tấm áo mới. Tấm áo ấy là niềm vui, sự phấn khởi, nhiều gia đình không còn cái đói đeo bám và con chữ cũng đến với trẻ em gần hơn.

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, những năm qua, công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, theo bộ tiêu chí cũ năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo là 40,62%; năm 2020 giảm xuống còn 32,08%; năm 2021 còn 23,80%. Đến năm 2021 nếu tính theo tiêu chí mới tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 56,79; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 48,28%.

Anh Giàng A Dờ - Bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có HTX về đây thuê đất để trồng hoa hồng đã giúp cho nhiều người trong bản có việc làm, chúng tôi đều được trả công 150.000/ngày, gia đình tôi đã mua được gạo, thức ăn. Nhờ có thu nhập ổn định mà gia đình tôi đã thoát được nghèo, con cái được đi học cái chữ, gia đình tôi vui lắm”.

psnamkhat.mp4.00_00_44_13.still006.jpg
Hợp tác xã Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đã giúp nhiều hộ gia đình của xã Nậm Khắt thoát nghèo

Ngoài việc giúp người dân có thu nhập ổn định, HTX còn giúp người dân thay đổi được tư duy trong canh tác nông nghiệp. Mù Cang Chải là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, với trên 90% dân số là đồng bào Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Trước đây, để khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình, đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ xây dựng các mô hình nông nghiệp. Tuy nhiên do tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên sau khi hết sự hỗ trợ người dân không phát triển thêm.

Đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước có thêm các HTX tại địa phương đã giúp người dân thay đổi rõ rệt, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nhằm khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu.

Có thể khẳng định tư duy phát triển kinh tế gia đình của người dân vùng cao đã thay đổi từng bước, sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tức là tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đồng thời, phát huy được lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn được những loại cây trồng, con giống thích hợp, có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc sản vùng miền, bản địa, từng bước góp phần vào sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu đặc sản, tiêu chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) và các chứng nhận VietGAP hữu cơ.

psnamkhat.mp4.00_01_33_14.still009.jpg
Ngoài việc giúp người dân có thu nhập ổn định, HTX còn giúp người dân thay đổi được tư duy trong canh tác nông nghiệp, không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ

Chị Giàng Thị Say - Bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tâm sự: “Từ khi bản có HTX về đây giúp người dân có việc làm, dạy người dân cách làm nông nghiệp, không còn để đất bỏ hoang, tôi cảm thấy vui lắm. Cũng nhờ có HTX mà tôi có việc, có thu nhập ổn định. Năm 2022 gia đình tôi không còn là hộ nghèo của bản nữa rồi”.

Có thể thấy, Nậm Khắt từ vùng đất khô cằn, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ lúa. Đến nay, Nậm Khắt đã phủ khắp với những cánh đồng hoa hồng rực rỡ, những ruộng cải mầm đá xanh ngắt, những ruộng cà chua đỏ rực. Đó là chủ trương đúng của xã trong việc chuyển đổi cây trồng, thay đổi phương thức trong sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho huyện vùng cao Mù Cang Chải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới ở Nậm Khắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO