GS.TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của thành phần bụi mịn PM2.5 ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28mg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10mg/m3. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
Với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời.
Tại Hà Nội, liên tục trong nhiều ngày gần đây, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí ở mức kém. Tại TP.HCM, ô nhiễm chất lượng không khí 10 tháng năm 2019 có xu hướng tăng so với 10 tháng năm 2018. Ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM hiện ở mức báo động |
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống.
Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.
Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hoạt động giao thông của thành phồ chiếm phát thải cao nhất, cụ thể chiếm 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm 46%…
Còn hoạt động công nghiệp của thành phố chiếm 22% trong tổng số phát thải SO2, bụi chiếm 21%.. Đặc biệt, đến nay, TP.HCM không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với CO, NOx tại một số khu vực trung tâm.
Theo ông Hồ Quốc Bằng, hiện nay, trong quá trình thực hiện Kế hoạch Quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có 3 nội dung vẫn chưa được triển khai hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là do quá trình kiểm soát chất lượng không khí chưa thực sự triển khai ở cấp địa phương.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn thiếu nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, có những tiêu chí cao hơn gấp đôi so với tiêu chuẩn của WHO, chẳng hạn như: PM10 và PM2.5.
Toàn cảnh Hội thảo |
Vì vậy, ông Hồ Quốc Bằng, kiến nghị Quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm của Việt Nam cần được quy định chi tiết, rõ ràng và nghiêm ngặt hơn, nên đưa ra một tải lượng xả thải cụ thể thay vì nồng độ xả thải.
Đồng thời, mỗi địa phương cần thực hiện tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận (pha loãng và khuếch tán) dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để đảm bảo phát triển kinh tế không suy thoái môi trường không khí.
Ngoài ra, theo ông Hồ Quốc Bằng, Việt Nam cũng cần xây dựng hướng tính toán phát thải, các quy định phát thải và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều ngành, từ đó làm cơ sở để cấp phép xả thải và tiến tới thu phí khí thải đối với các chủ nguồn thải.
Triển khai Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 70% lượng ô nhiễm không khí tăng lên do hoạt động giao thông; 90% khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn.
Triển khai “Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM”, trong năm 2020, TP.HCM sẽ triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 01 trạm quan trắc không khí tự động, di dộng.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030.