Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích cho nhà máy điện rác Phú Sơn

Văn Dinh 23/07/2024 - 14:32

(TN&MT) - Việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) sẽ giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần phải xử lý, không để rác thải tăng lên quá lớn ở Nhà máy điện rác Phú Sơn, ngoài ra cũng góp phần giảm bớt gánh nặng kinh phí mà người dân, chính quyền phải chi trả để thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

PLRTN có lợi cho nhà máy điện rác

Hiện nay, rác thải sinh hoạt của 6/9 địa phương (huyện, thị) của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xử lý tại Nhà máy điện rác Phú Sơn (thị xã Hương Thủy, khánh thành vào tháng 4/2024), chiếm hơn 80 % khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh. Nhà máy này vận hành theo mô hình đốt rác - phát điện; sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp - phát điện phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT, tiêu chuẩn khí thải đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu.

rac-1.jpg
Nhà máy điện rác hiện đại ở Thừa Thiên – Huế

Theo Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được phân thành 4 nhóm: Nhóm tái chế, tái sử dụng: giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại, thủy tinh các loại; Nhóm chất thải thực phẩm; Nhóm chất thải nguy hại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng, các loại chất thải nguy hại khác; Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng và xác chết động vật nuôi).

Câu hỏi mà người dân Thừa Thiên – Huế đang đặt ra là tại sao đã có nhà máy đốt rác phát điện rồi mà vẫn cần PLRTN ?

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Phú Sơn, trước tiên là thay đổi mạnh mẽ về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm khắc phục tình trạng sử dụng công nghệ chôn lấp, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt như hiện nay sang công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tốt nhất hiện có và công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác; sau đó dần tiến tới chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp trực tiếp. Việc tăng cường hoạt động PLRTN sẽ giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần phải xử lý không để rác thải tăng lên quá lớn, như vậy với công suất cố định của Nhà máy, sẽ đảm bảo thời gian xử lý rác trong thời gian dài hơn và không áp lực về công suất của cơ sở xử lý khi dân số, đô thị hóa và các hoạt động kinh tế, sản xuất ngày càng phát triển dẫn đến khối lượng rác tăng lên.

rac-2.jpg
Người dân Huế tích cực PLRTN

“Nếu không triển khai hoạt động PLR sẽ dẫn đến khối lượng rác ngày càng tăng lên, nhưng không phải ngay lập tức có thể đầu tư cơ sở xử lý đáp ứng quy mô, quy trình hiện đại được ngay mà đó là một quá trình với nhiều thời gian, từ bước lựa chọn công nghệ, kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực đáp ứng được công nghệ với nguồn kinh phí đầu tư tương đối lớn. Với công nghệ đốt rác phát điện còn phải đáp ứng khối lượng rác tối thiểu từ 400 tấn/ngày trở lên đảm bảo khả năng hoàn vốn và có lợi nhuận để thu hút được nhà đầu tư tham gia”, đại diện Sở TN&MT chia sẻ.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân - Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF-Việt Nam) nói rằng, theo Luật BVMT, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng và đơn vị thu gom từ chối thu gom nếu như không PLR đúng và bỏ đúng vào bao bì phân loại. Nhà máy điện rác Phú Sơn không tiếp nhận rác nguy hại (rác nguy hại được thu gom và xử lý riêng), rác thủy tinh (vì không đốt được) và xác chết động vật; tiếp nhận 600 tấn rác/ngày đêm; vì thế việc PLRTN sẽ giảm bớt gánh nặng kinh phí mà người dân, chính quyền phải chi trả để thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Nổ lực PLRNT

Luật BVMT 2020 xem chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; trong đó Điều 75 quy định cụ thể về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn và bắt buộc phải triển khai đồng loạt trên cả nước kể từ ngày 1/1/2025. Chất thải sau khi đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải. Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân: quy định khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo các loại để từ đó có các quy định quản lý cụ thể nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý chất thải rắn.

rac-3.jpg
Việc PLRTN sẽ giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần phải xử lý tại nhà máy điện rác Phú Sơn

Ông Đặng Phước Bình – Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế cho biết, việc PLRTN sẽ tận dụng thu hồi và tái sử dụng được các loại chất thải làm nguyên liệu sản xuất cho các quá trình sản xuất khác, không cần thiết phải đốt khi có thể thu gom riêng. Như vậy, sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu lượng rác phải vận chuyển về cơ sở xử lý.

“Luật BVMT 2020 quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đơn vị khối lượng hoặc thể tích phát sinh. Do đó, việc PLRTN về lâu dài khi áp dụng cách tính phí này sẽ giúp cho chủ nguồn thải giảm chi trả chi phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác từ hộ gia đình ngoài chi phí do người dân phải đóng, thì có một phần được bù đắp qua ngân sách địa phương. Việc PLR bên cạnh việc tận dụng nguồn chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng còn làm giảm khối lượng cần thu gom, vận chuyển, xử lý, do đó chi phí chi trả sẽ giảm xuống so với khi không phân loại tại nguồn”, ông Bình nói.

Cũng theo Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế, PLRTN là một định hướng đúng đắn trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng thời đây là một chiến lược dài hơi, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Trước mắt, UBND các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân trong việc PLRTN, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, hộ gia đình tại đô thị có điều kiện thực hiện việc tự xử lý chất thải hữu cơ, chất thải thực phẩm tại hộ gia đình thành phân hữu cơ, một mặt nhằm giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải xử lý, mặt khác sử dụng các sản phẩm sau quá trình tự xử lý vào các mục đích khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích cho nhà máy điện rác Phú Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO