Môi trường

Cần nhiều giải pháp thực hiện thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ

Hoài Thu 26/07/2024 - 19:28

(TN&MT) - Nhằm quản lý các phương tiện giao thông và thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất nhiều giải pháp tham vấn, chính sách trong việc phát triển các mô hình thu hồi, tái chế phương tiện giao thông thải bỏ.

Hội thảo “Tham vấn mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (CLCS TN&MT) tổ chức trong ngày 26/7, đã nêu lên một số thực trạng quản lý phương tiện giao thông thu hồi, đồng thời đề xuất những kinh nghiệm của các phương tiện giao thông thải bỏ trên thế giới để áp dụng cho Việt Nam.

386-202407261625041.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phát biểu khai mạc

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội hiện nay, đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông thải bỏ (PTGTTB) cũng tăng lên theo, điều đó dẫn tới thách thức lớn về môi trường. Trong đó, việc quản lý PTGTTB cần được ưu tiên thực hiện nhằm bảo vệ môi trường sống thông qua các cơ chế chính sách, cơ chế thu hồi, công nghệ tái chế, điều kiện kinh tế xã hội,…

Ở nhiều nước phát triển, đặc biệt tại các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô được coi là thiết yếu, các chính sách liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được xây dựng. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một cách tiếp cận chính sách dựa trên việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm - không chỉ trong giai đoạn sử dụng mà cả khi sản phẩm của họ đã trở thành chất thải. Đây là cách tiếp cận chính sách hiệu quả để hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.

8774afa29a933fcd6682.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo đó, Việt Nam đang đứng trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, việc áp dụng EPR theo mô hình bắt buộc là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã đưa ra các quy định cụ thể hơn, khả thi hơn để thực hiện hiệu quả cơ chế EPR và phương tiện giao thông được xếp vào là một trong những loại sản phẩm phải thực hiện cơ chế EPR.

Thực tế cho thấy, việc thu hồi, xử lý PTGTTB chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, là nhiều cơ sở ở các làng nghề thu gom, tháo dỡ, tái chế... Điều đó gây ô nhiễm môi trường cùng việc không đáp ứng hiệu quả trong việc xử lý các PTGTTB. Trong bối cảnh đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn, Hội thảo ngày hôm nay sẽ nhận được nhiều tham luận, trao đổi để đưa ra được các nghiên cứu, đề xuất giải pháp, xây dựng chính sách phù hợp trong việc thu hồi PTGTTB tại Việt Nam.

386-202407261625042.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Đại diện nhóm nghiên cứu Viện CLCS TN&MT trình bày tham luận

Qua nghiên cứu về thực trạng hoạt động của các cơ sở thu gom, vận chuyển, phá dỡ, tái chế và xử lý phương tiện giao thông cũ, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Đại diện nhóm nghiên cứu Viện CLCS TN&MT nêu lên thực tế, tại Việt Nam, việc tái chế ô tô, xe máy mới dừng lại ở mức độ tự phát, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường, bởi chưa hình thành ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng ô tô, xe máy sau sử dụng ở quy mô lớn.

Do đó, bà đề xuất giải pháp thực hiện mô hình quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông tại Việt Nam, trong đó, các cơ sở thu gom PTGTTB phải là cơ sở thực hiện hoạt động thu gom, lưu trữ phương tiện này và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, phát hành Giấy chứng nhận thải bỏ phương tiện giao thông.

Đồng thời, chủ phương tiện khi thải bỏ phương tiện giao thông được nhận Giấy chứng nhận thải bỏ; được giảm lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật sau khi cung cấp Giấy chứng nhận thải bỏ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công An cũng cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung pháp luật về giao thông đường bộ; đề xuất, sửa đổi quy định về lệ phí đăng kiểm, theo hướng: Tăng lũy tiến lệ phí đăng kiểm, phí đường bộ đối với ô tô các loại sau 20 năm kể từ năm sản xuất; bổ sung lệ phí, phí đường bộ đối với xe máy sau 25 năm kể từ năm sản xuất sau khi có quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cần xây dựng và quản lý, vận hành Cổng thông tin ERP, trong đó, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin PTGTTB đến cơ sở dữ liệu của cơ quan liên quan; tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về tháo dỡ, tái chế, xử lý PTGT thải bỏ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giáo dục và tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng về việc thải bỏ PTGT đúng quy định, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế tuần hoàn.

386-202407261625043.jpg
Ông Lê Văn Vệ - Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất giải pháp tái sử dụng phương tiện giao thông thải bỏ

Về việc thu hồi, tái sản xuất các PTGTTB đối với ô tô, xe máy, ông Lê Văn Vệ - Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất thực hiện mô hình tái chế bền vững các phương tiện như: Tập kết các phương tiện bị thải bỏ/ phương tiện cũ tại điểm thu hồi; sau đó làm tuần tự theo quy trình tại các cơ sở tháo dỡ, phân loại phụ tùng tái sử dụng, vật liệu tái sử dụng; cắt nhỏ và tái chế các vật liệu phi kim, kim loại hoặc sản xuất mới.

Từ việc áp dụng mô hình này, sẽ giúp giảm 183 tấn/ xe khi thực hiện tái chế xe có trọng lượng 100 kg; bảo tồn tài nguyên, giảm sử dụng nguyên liệu thô: sản xuất một tấn thép từ vật liệu tái chế tiết kiệm; giảm rác thải chôn lấp; phụ tùng tái sử dụng cũng được rẻ hơn 50 – 75% so với linh kiện mới; tiết kiệm chi phí năng lượng, đối với tái chế thép tiết kiệm 2000 USD/tấn (so với sản xuất thép mới).

Do đó, để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện hiện thu gom tái chế xe máy thải bỏ, ông Lê Văn Vệ đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi tạo động lực cho người dân thải bỏ đúng cách, thông qua cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân khi phương tiện được thải bỏ tại các cơ sở được uỷ quyền; giảm chi phí trước bạ, phí đăng ký và biển số hoặc hỗ trợ tài chính khi người dân mua xe mới và thải bỏ xe cũ.

Cùng với đó, ban hành các cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện cho đến khi phương tiện được thải bỏ đúng cách; cùng với đó, các nhà sản xuất phải thu hồi được xe thải bỏ thì mới đảm bảo mô hình EPR phương tiện giao thông vận hành hiệu quả.

386-202407261625054.jpg
Các đại biểu trong Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đã được đưa ra trao đổi trong phiên thảo luận, nhằm đề xuất xây dựng, giải pháp, cơ chế thu hồi PTGTTB phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp thực hiện thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO