Môi trường

Tham vấn kỹ thuật chuẩn bị cho đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu

Minh Hạnh 26/07/2024 - 14:37

Ngày 26/7, tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua (Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa – NPAP) và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) chủ trì tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Kết nối quan điểm hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận về ô nhiễm nhựa đang trong giai đoạn quan trọng với mục tiêu hoàn tất việc xây dựng Thỏa thuận dự kiến vào tháng 11/2024 tại Hàn Quốc. Phiên đàm phán thứ 4 Hội nghị Liên Chính phủ (INC-4) tại Ottawa (Canada) tháng 4 đánh dấu lần đầu tiên các nước thành viên chính thức đàm phán nội dung của Thỏa thuận sau khi dự thảo số 0 sửa đổi được công bố tháng 12/2023, trong đó bao gồm các nội dung thảo luận tại các cuộc họp nhóm chuyên gia kỹ thuật và các nguồn tài chính.

Từ diễn biến và kết quả đàm phán tại Canada, việc tổ chức 2 cuộc họp nhóm kỹ thuật được đánh giá là một bước tiến quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề còn nhiều điểm khác biệt trong quan điểm để phục vụ các cuộc đàm phán tại Hội nghị INC-5 tại Busan (Hàn Quốc).

ong-le-ngoc-tuan.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trường Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT, phát biểu khai mạc hội thảo

Trong đó, 2 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận tại phiên họp giữa kỳ bao gồm: Phân tích các nguồn và phương thức thực hiện tiềm năng có thể huy động để thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận, bao gồm các phương án thiết lập cơ chế tài chính, điều chỉnh các dòng tài chính và xúc tác tài chính (đối với nội dung về phương thức thực hiện); và xác định và phân tích các phương pháp tiếp cận dựa trên tiêu chí và phi tiêu chí liên quan đến ô nhiễm nhựa và các hóa chất được quan tâm trong các sản phẩm nhựa và thiết kế sản phẩm, tập trung vào khả năng tái chế và tái sử dụng của các sản phẩm nhựa cũng như công dụng và ứng dụng của các sản phẩm nhựa.

Để chuẩn bị cho INC-5, các bên đã thống nhất tổ chức một phiên họp nhóm chuyên gia giữa kỳ tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 8 sắp tới. Mặc dù các cuộc họp nhóm chuyên gia giữa kỳ không phải là phiên đàm phán chính thức nhưng những nội dung trao đổi, thống nhất tại các cuộc họp này sẽ góp phần định hình nên Thỏa thuận toàn cầu trong tương lai.

Do đó, các thành viên Ban công tác đàm phán Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia vào quá trình thảo luận đồng thời nắm bắt kịp thời xu thế nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị đàm phán cuối cùng vào tháng 11, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong tương lai.

Tiếp lời ông Lê Ngọc Tuấn, ông Pattrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam đánh giá: Giai đoạn chuẩn bị cho Cuộc họp INC-5 vào cuối năm nay đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong bối cảnh INC-5 được kỳ vọng là phiên đàm phán cuối cùng và sẽ đi đến thoả thuận chung về nhựa toàn cầu. Theo đó, các bên liên quan cần phải đạt được tiến triển rõ rệt trước phiên họp này.

Để đạt được mục tiêu trên, hội thảo này hướng tới thảo luận một trong những vấn đề trọng tâm bao gồm giải quyết các hóa chất đáng lo ngại trong nhựa và xây dựng cơ chế tài chính.

hoi-thua-thoa-thuan-nhua-toan-cau2.jpg
Ông Pattrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam, phát biểu trực tuyến tại hội thảo.

Theo đại diện UNDP Việt Nam, hơn 13.000 hóa chất đã được phát hiện trong nhựa, với hơn 3.200 hóa chất có khả năng gây lo ngại đã được xác định và một số hóa chất khác vẫn chưa được đánh giá (UNEP). Những hóa chất này gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe và góp phần làm suy thoái môi trường cũng như gây ô nhiễm hệ sinh thái lâu dài. Các nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng vi nhựa đã xâm nhập vào phần sâu nhất của cơ thể con người và có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hô hấp, nội tiết, sinh sản và miễn dịch. Chi phí y tế toàn cầu do nhựa gây ra ước tính lên tới 250 tỷ USD (năm 2018). Để giải quyết những vấn đề này, cần có một cách tiếp cận toàn diện bao gồm các quy định nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ và nâng cao nhận thức của công chúng.

“Theo đó, việc đạt được thoả thuận toàn cầu về nhựa sẽ cung cấp một cơ sở pháp lý hiệu quả và có tính ràng buộc để loại bỏ dần các hóa chất nguy hại trong các sản phẩm nhựa, với các mốc thời gian và mục tiêu rõ ràng để cung cấp cho các ngành công nghiệp thời gian cần thiết để chuẩn bị và chuyển đổi, đảm bảo sự chuyển đổi có hệ thống và có thể quản lý được sang các giải pháp thay thế an toàn hơn và khuyến khích phát triển các hoạt động bền vững. UNDP cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phái đoàn Việt Nam để tham gia cuộc họp giữa kỳ sắp tới và INC-5”, ông Pattrick Haverman nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề về tài chính đóng vai trò quan trọng trong triển khai thoả thuận. Phần thảo luận hôm nay hướng tới làm rõ các cơ chế tài chính để huy động nguồn lực cho việc đạt được thoả thuận trong thời gian tới, đảm bảo công bằng và lợi ích cho các bên.

Tại hội thảo kỹ thuật, các diễn giả đã trình bày tham luận về hóa chất trong các sản phẩm nhựa, tập trung vào các thách thức và giải pháp liên quan đến hóa chất có vấn đề và các sản phẩm nhựa không cần thiết; các chiến lược thiết kế sản phẩm để tăng cường khả năng tái chế và tái sử dụng; và bảo vệ sức khỏe con người trong bối cảnh Hiệp ước Nhựa toàn cầu.

Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm vấn đề cơ chế tài chính để thực hiện Hiệp ước, các kịch bản tiềm năng cho sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc đàm phán trong tương lai.

img_7753(1).jpg
Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.

Trước đó, Tại phiên họp INC-4 được tổ chức vào tháng 4, các bên tham gia đã quyết định thành lập hai nhóm chuyên gia để nghiên cứu các khía cạnh quan trọng trong tiến trình đàm phán thoả thuận. Nhóm chuyên gia mở đầu tiên giữa các phiên họp đặc biệt tập trung cụ thể vào các cơ chế tài chính. Nhóm thứ hai sẽ đi sâu vào cả các phương pháp tiếp cận dựa trên tiêu chí và không dựa trên tiêu chí liên quan đến các sản phẩm và hóa chất nhựa. Ngoài ra, nhóm này sẽ đánh giá thiết kế, khả năng tái chế và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nhựa.

hoi-thao-nhua-5(1).jpg
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo.

Được đồng chủ trì bởi các chuyên gia quốc tế, hai nhóm này dự kiến ​​sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận có tính thực tiễn cao tại phiên họp INC-5 sắp tới, sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Busan, Hàn Quốc. INC-5 dự kiến ​​sẽ là vòng đàm phán cuối cùng nhằm thiết lập văn bản quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn kỹ thuật chuẩn bị cho đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO