Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp
Phú Thọ luôn xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp theo nhiều giai đoạn.
Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đã dần thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khích lệ, động viên người dân tích cực tham gia trồng rừng.
Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế rừng, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra định hướng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển lâm nghiệp, cụ thể: bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của rừng;… Trong đó, ưu tiên trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đưa vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng...
Bên cạnh đó, Phú Thọ còn đẩy mạnh trồng và chăm sóc cây phân tán, góp phần thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Điển hình như việc thực hiện trồng quế trên 3.000ha diện tích rừng tại địa bàn huyện Tân Sơn và Yên Lập; phát triển nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh như mây, tre, dược liệu... với diện tích khoảng 500ha tại huyện Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Sơn, Hạ Hòa. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Để tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh tiếp tục chuyển giao, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, trồng rừng gỗ lớn, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến; Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; xã hội hóa các nguồn lực; tăng cường mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…
Có thể nói, phát triển kinh tế đồi rừng là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả đối với Phú Thọ. Việc vừa kết hợp xây dựng kinh tế trang trại vừa phát triển rừng trồng đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong huyện.
Phát triển kinh tế đồi rừng giúp người dân giảm nghèo
Ở Phú Thọ nói chung và các huyện miền núi như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập nói riêng, phát triển kinh tế đồi rừng đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp đời sống của đồng bào có nhiều thay đổi tích cực.
Đơn cử như Yên Lập - một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với địa hình đa dạng và quỹ đất lớn, Yên Lập có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lâm nghiệp và công nghiệp lâu năm, giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mục tiêu giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu, cây ăn quả được đánh giá là giải pháp khả thi, chính quyền huyện Yên Lập đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, hỗ trợ vốn và giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền phát huy vai trò nội lực, tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Hầu hết các địa phương ở huyện Yên Lập đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã: Mỹ Lung, Mỹ Lương, Ngọc Đồng…
Người dân Yên Lập nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc nói riêng trên địa bàn huyện đã nhận thức rõ lợi ích từ kinh tế rừng, từ đó, họ sẵn sàng tham gia các dự án trồng rừng. Đến nay, cùng với các hoạt động tích cực trong bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng đã đưa độ che phủ rừng của huyện lên trên 68%, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 21,2% (năm 2016) xuống còn 10,21% (cuối năm 2019); phong trào phát triển kinh tế đồi rừng từ các hộ gia đình phát triển mạnh mẽ…
Tương tự, tại huyện Tân Sơn - từng là một huyện có tên trong danh sách 63 huyện nghèo nhất cả nước - cây quế được đồng bào dân tộc nơi đây coi là “vua” của các loại cây lâm nghiệp và đang dần trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Quế phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên được bà con trồng nhiều trên các đồi, nương và sân vườn nhà. Bên cạnh đó, cây chè cũng là một trong những loại cây giúp bà con huyện Tân Sơn giảm nghèo. Cây chè vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân. Một số chủ trương, chính sách nâng cao giá trị cây chè đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. Nhờ đó, đến năm 2018, Tân Sơn chính thức ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
Nhằm triển khai hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, tăng tính đa dạng sinh học và năng lực cạnh tranh, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa 20.000ha rừng cây gỗ lớn; trong đó, trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm./.
Phú Thọ phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4-5%, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.
Nhờ tập trung vào phát triển kinh tế đồi rừng, đời sống của người dân được nâng cao, độ che phủ rừng luôn giữ được ổn định, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái của Phú Thọ.