Nâng cao giá trị sản phẩm chè Việt Nam
(TN&MT) - Chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới, nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè.
Để nâng cao giá trị chè xuất khẩu nói riêng và cây chè Việt Nam nói chung, một trong những yếu tố quan trọng là chuẩn hóa quy trình sản xuất, vùng trồng chè nguyên liệu theo hướng hữu cơ, an toàn tại các địa phương. Đây là trọng tâm thảo luận của Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”, do Cục Trồng trọt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5/11, tại Phú Thọ.
Giá chè trong nước cao gấp 4 lần giá xuất khẩu
Việt Nam có truyền thống dùng chè hàng ngàn năm và sản xuất, chế biến và tiêu dùng chè đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha trong khoảng thời gian này, nhờ thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Nhờ vậy, sản lượng chè năm 2022 đạt 1,125 triệu tấn, vẫn tăng 125.000 tấn so với năm 2015.
Đáng chú ý, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn do chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Trong khi xuất khẩu chè nguyên liệu thô bình quân của nước ta chỉ đạt 1,65 USD/kg, thì khả năng tiêu thụ chè trong nước ở mức ổn định là 45.000 tấn/năm, với giá bán ra thị trường bình quân là 150.000 đồng/kg (tương đương 6USD/kg). Những sản phẩm trà đặc sản có thương hiệu, đạt được giá bán rất cao, từ 200.000 đến 1 triệu đồng/kg.
Dự báo đến năm 2030, lượng chè tiêu thụ trong nước tăng lên khoảng 40% và vẫn hướng tới chè chất lượng cao, an toàn. Loại chè tiêu thụ chủ yếu trong nước là chè xanh như chè Hà Giang, chè Thái Nguyên, chè Tuyên Quang, chè Lâm Đồng… Do nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, đến nay các loại chè được sản xuất từ chè Shan cổ thụ, chè ướp hoa tươi cũng được tiêu thụ mạnh: chè hoa nhài, chè hoa sen, chè hoa sói … Chè đen ở dạng túi cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với thị trường xuất khẩu, dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ… và chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường EU.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT): Các địa phương cần chú trọng việc tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS). Bên cạnh đó, tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với xu thế và có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm việc giám sát nội bộ, lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc.
Định hướng vùng trồng, nâng cao chất lượng
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững với nhiều đơn vị sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đa số các doanh nghiệp chè hiện nay đều ý thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như thách thức từ các rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu. Đồng thời, thị trường nội địa cũng ghi nhận sản lượng tiêu dùng ngày càng tăng khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm có chất lượng, uy tín và nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, từng bước giữ vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, cần đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nâng cao năng lực chế biến chè; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế… “Những giải pháp này không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, mà là cả hành trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hiệp hội Chè đã quán triệt, cùng nhau tổ chức sản xuất, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chè tốt, an toàn, nói không với chè chất lượng kém” - ông Hoàng Vĩnh Long nhấn mạnh.
Giống là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Theo TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, riêng trong giai đoạn 2019 – 2023, Viện đã chọn tạo bộ 16 giống chè mới và được nhiều địa phương lựa chọn để chuyển đổi sản xuất. Bên cạnh đó, Viện cũng công bố các tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác chè bền vững, tạo ra nguyên liệu chè búp tươi đạt tiêu chuẩn an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định diện tích chè cả nước và giúp tăng 30% năng suất chè cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới cho rằng, doanh nghiệp chè Việt Nam cần thay đổi cách tư duy chạy theo số lượng, giảm hẳn xuất khẩu thô và tạo giá trị gia tăng cho chè bằng cách đầu tư máy móc, lựa chọn sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Các địa phương cần thúc đẩy thành lập hợp tác xã với quy mô đủ lớn để tăng cường quản lý quy trình, chất lượng, đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam: Việc tái cơ cấu ngành chè cần tích hợp đa giá trị về văn hóa, truyền thống, đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với vùng chè và xây dựng hình ảnh thương hiệu chè Việt Nam, đặc biệt là vùng chè Shan. Từ kinh nghiệm của Thái Nguyên, cần xây dựng vùng chè đặc sản ở vùng núi; vùng Trung du chuyển dần từ chè đen sang chè xanh và chế biến các sản phẩm chè thế hệ mới như trà gói, matcha. Vùng đặc thù như Lâm Đồng, Mộc Châu, Mẫu Sơn có thể đi theo hướng chè đặc hữu địa phương để nâng cao giá trị phục vụ cả nội tiêu và xuất khẩu.
Theo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, riêng với cây chè, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.