Phát triển trang trại miền núi
(TN&MT) - Việc khuyến khích bà con đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp đang là hướng đi mới để người dân ổn định cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm... Tuy vậy, để phát triển hệ thông trang trại miền núi đạt được hiệu quả kinh tế cao mang tính bền vững đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có giải pháp đồng bộ.
Với tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước (1.649.368,62 ha), trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, miền Tây Nghệ An đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế trang trại kết hợp trồng, bảo vệ rừng. Thời gian qua, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây xứ Nghệ đã được trung ương và tỉnh quan tâm, hỗ trợ.
Trong đó, chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác tối đa lợi thế của các huyện miền núi được để xoá đói, giảm nghèo đang được thực hiện một cách tích cực. Và, hệ thống trang trại theo mô hình V-A-C-R (Vườn – Ao – Chuồng – Rừng) hay còn gọi là trang trại tổng hợp đang được khuyến khích, tạo điều kiện để người dân miền núi mạnh dạn đầu tư, mở rộng. Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi ở các trang trại tổng hợp đã được thực hiện, cho hiệu quả kinh tế cao. Chính sách hỗ trợ để chủ trang trại vay vốn ưu đãi từ các hệ thống ngân hàng thương mại được khẩn trương thực hiện.
Trong thời gian qua, nhờ mạnh dạn đầu tư, nhiều mô hình trang trại ở một số địa phương miền núi đã bước đầu hình thành đi vào hoạt động có hiệu quả cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhiều mô hình trang trại ở các huyện miền núi như: Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp... cũng đang phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê của Hiệp hội Kinh tế trang trại tỉnh thì hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi của Nghệ An có khoảng 4.358 trang trại. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn 630 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TTBNN ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Có nghĩa là trong tổng số trên 3 nghìn trang trại hiện nay thì mới chỉ có trên 400 trang trại đạt giá trị hàng hoá mỗi năm 700 triệu đồng.
Hiện nay, hệ thống các trang trại đang giải quyết trực tiếp cho khoảng 3.600 lao động, cho thu nhập mỗi năm gần 40 triệu đồng/lao động. Hệ thống các trang trại trên địa bàn cũng cung cấp một khối lượng hàng hóa rất lớn, đảm bảo nguồn cung ra thị trường với tổng giá trị kinh tế đạt khoảng 305,720 tỷ đồng. Qua đánh giá của các cơ quan chức năng thì hệ thống các trang trại hiện nay, đang góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần nhân rộng, mở rộng hệ thống trang trại miền núi thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết. Bởi thực tế đang tồn tại hiện nay mà nhiều trang trại trên địa bàn đang mắc phải ngoài việc tiếp cận nguồn vốn thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn đang èo uột, manh mún.
Theo ông Nguyễn Văn Bính – Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An, sau khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP, vấn đề phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. “Ngoài việc khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao thì yêu cầu sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn VietGap hiện nay chúng ta đang thúc đẩy thực hiện. Bởi khi gia nhập TPP, hàng hóa trao đổi giữa các nước thành viên với nhau được sản xuất từ ngành nông nghiệp trong đó có hệ thống các trang trại phải đạt được các tiêu chuẩn rất gắt gao. Nếu chúng ta không đạt được yêu cầu thì rất dễ bị loại ra khỏi sân chơi chung trên thị trường trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Bính cho biết thêm.
Vì vậy, ngoài giải pháp về thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho chủ trang trại, vấn đề nâng cao chất lượng hàng hoá, xây dựng chuỗi hệ thống sản xuất hàng hoá sạch cần phải khuyến khích thực hiện.