Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực trong việc “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, để chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, đến được với người dân để thay đổi nếp nghĩ, cách làm là cả một quá trình dài mà thôn Tuấn Tú ( Ninh Thuận) đang tích cực thực hiện...
Để chính sách đến với từng nhà, vào từng ngõ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận vận động, kêu gọi, phối hợp Hội đồng sư cả Hồi giáo Bàni phát động và xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh “Cộng đồng Hồi giáo Bàni tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ đó “Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển, thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số”.
Bà Ni Châu Minh Hương chia sẻ: Với truyền thống tốt đời đẹp đạo, những năm qua các tôn giáo đã tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội, có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cam kết sẽ có những hành động thiết thực hơn tại cộng đồng tôn giáo, luôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo; triển khai nhiều giải pháp tích cực, bằng các hoạt động cụ thể, giáo dục bảo vệ môi trường, tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp nhau ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của các vị chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải sự cố thiên tai.
Ninh Thuận, nơi có những vùng đất “bán sơn địa”, đất đai cằn cỗi, cùng với khí hậu nắng gió khát khô… Tưởng chừng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt sẽ làm nhiều người chùng bước, đất đai ngủ yên trong nắng cháy. Tuy nhiên với sự đoàn kết của tập thể chính quyền và người dân thôn Tuấn Tú cần cù, sáng tạo đầy khát vọng vươn lên đã làm hồi sinh những vùng đất khát, biến những vùng đất cát bạc màu và bạch sa động thành những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Lê Văn Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư thôn Tuấn Tú tăng cường tuyên truyền trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đến với từng người dân vận động cộng đồng dân cư tích cực bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng, bảo vệ môi trường sống và thực hiện lối sống xanh phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc và nhân dân tham đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn.
Cũng theo ông Bình, những năm qua Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, riêng mô hình giảm nghèo bền vững “Dự án trồng măng tây xanh” do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh triển khai được đánh giá cao. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, xã An Hải cần tập trung tuyên truyền các hộ dân tích cực tham gia mô hình; tổ chức nhân rộng mô hình ra toàn xã để các hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ dân nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú tập trung hỗ trợ các hộ tham gia mô hình trong quá trình sản xuất măng tây xanh và thu mua sản phảm cho các hộ dân, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.
Là thôn đồng bào dân tộc Chăm thuộc xã An Hải (Ninh Phước), Tuấn Tú có dân số 2.196 nhân khẩu (546 hộ). Do địa hình chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, trong tổng diện tích tự nhiên 458 ha, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 65 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy trồng rau màu các loại....Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, ít ai ngờ lại là lợi thế để Tuấn Tú áp dụng khoa học- kỹ thuật, phát triển trồng rau màu mà nổi bật là mô hình trồng măng tây xanh kết hợp tưới nước tiết kiệm. Dự án có tổng kinh phí 390 triệu đồng từ nguồn vốn.
Đây là vốn vay không lãi và thu hồi sau khi kết thúc dự án với thời gian thực hiện 36 tháng. Thôn Tuấn Tú có 24 hộ tham gia thực hiện dự án, trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo và 13 hộ khó khăn. Đến nay các hộ đã xuống giống với tổng diện tích 3,9 ha, trong đó có 2,5 ha (14 hộ) đang thu hoạch (trung bình mỗi ngày một hộ thu hoạch được 7kg/sào) và 1,4 ha mới xuống giống gần 3 tháng. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua 175kg măng tây xanh của 14 hộ trên với tổng số tiền 8,75 triệu đồng” nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, tất cả các hộ tham gia thực hiện mô hình đã phát triển kinh tế ổn định và đã tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Đơn cử hộ bà La Thị Hoa, hộ nghèo của thôn, trồng được 2,5 sào măng tây, năm 2020 thu hoạch 3.026 kg, thu nhập 122 triệu đồng, cùng với thu nhập khác bà đã thoát nghèo. Có những hộ tham gia dự án như hộ Từ Thị Ngân, Châu Nga, Châu Thị Kim Thảo, Kiều Thổi, Từ Công Trăng,... xây nhà mới khang trang. Anh Hùng Ky, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ: Cây măng tây xanh đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng, bình quân HTX thu mua sản phẩm mỗi hộ khoảng 3- 4 tấn/năm, tương đương 160 triệu đồng/năm.
Điều đáng nói không chỉ vươn lên thoát nghèo, tập thể cán bộ và nhân dân trong thôn Tuấn Tú luôn gương mẫu và giáo dục các thành viên trong gia đình, tích cực hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc việc tham gia bảo vệ môi trường, quyết tâm phấn đấu xây dựng thôn trở thành Khu dân cư đảm bảo tốt về môi trường, góp phần duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.