Kỳ vọng thay đổi KHCN, vực dậy một thương hiệu thép

17/05/2018 15:14

(TN&MT) - Nhằm tìm cách “vực dậy” thương hiệu thép Gia Sàng một thời nổi danh đất Thái, Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) đã ký kết hợp...

(TN&MT) - Nhằm tìm cách “vực dậy” thương hiệu thép Gia Sàng  một thời nổi danh đất Thái , Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) đã ký kết hợp tác và bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cùng Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng tái khởi động dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, sau khi mẻ thép tái khởi động đầu tiên ra lò cũng là lúc nhà đầu tư nhận thấy cần phải thay đổi toàn bộ công nghệ cũng như cách thức đầu tư mới mong có được hiệu quả như mong muốn.

Tạm dừng sản xuất để nâng cấp, cải tạo

Ra đời ngay sau sự kiện thống nhất đất nước, ngày 1/5/1975, Nhà máy cán thép Gia Sàng đã cho ra mẻ thép đầu tiên. Sau 40 năm thăng trầm, biểu tượng của ngành luyện thép một thời dần đã tụt dốc không phanh ngay khi vừa cổ phần hóa. Những nhà xưởng không một bóng người, những dây chuyền hoen gỉ nằm trơ vơ cùng năm tháng, cả một biểu tượng gánh trên vai số nợ lên tới cả trăm tỷ đồng. Đầu năm 2013, thép Gia Sàng chính thức dừng hẳn sản xuất khiến hơn 300 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Để xử lý đống nợ này, ngày 5/5/2014, Chi cục thi hành án dân sự Thái Nguyên ra Quyết định số 31/QĐ-CCTHA cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (thép Gia Sàng).

Đứng trước những ngày 22/7/2016, Công ty Thái Hưng đã ký kết hợp tác với thép Gia Sàng) với mục tiêu nhằm “vực dậy” sản xuất của một thương hiệu vốn từ lâu đã trở thành “đống hoang tàn của một thời vang bóng”. Đây là hoạt động mở màn cho việc khôi phục sản xuất sau hơn 3 năm phải ngừng hoạt động của doanh nghiệp này. Đến tháng 12/2016, mẻ thép đầu tiên sau 3 năm “đắp chiếu” của Gia Sàng đã ra lò như lời hứa của Công ty Thái Hưng.
Những mẻ thép đầu tiền của Gia Sàng đã được ra lò sau thời gian dài
Những mẻ thép đầu tiên của Gia Sàng được ra lò sau thời gian dài không hoạt động 
Tuy nhiên, nhà máy đã hoạt động trở lại nhưng không mang lại hiệu quả, do dây chuyền cán thép Gia Sàng đã đầu tư đuợc trên 40 năm, nên lạc hậu, công nghệ lỗi thời dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trước thực trạng này, ngày 10/7/2017, Ban lãnh đạo Công ty thép Gia Sàng đã tiến hành cuộc họp với đại diện công nhân nhằm tìm giải pháp cho nhà máy. Tại cuộc họp này, ông Trần Quang Minh, quản đốc phân xưởng Cán là một cán bộ có nhiều năm gắn bó với nhà máy cho biết: Nhà máy đã hỏng hóc, thất thoát nhiều, không còn đồng bộ nên không thể hoạt động lâu dài. Nhà máy sản xuất lỗ nhiều quá, đề nghị Ban lãnh đạo nên tạm dùng sản xuất để sớm có giải pháp đề xuất Công ty Thái Hưng đầu tư dây chuyền công nghệ mới tiên tiến hiện đại.

Đại diện Ban chấp hành Công đoàn, ông Bùi Quang Sáng, cũng nêu quan điểm: “ Dây chuyền công nghệ đã quá lạc hậu, mặc dù đã được cải tạo nâng cấp và khôi phục sản xuất nhưng do chắp vá, không còn đồng bộ nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Ngoài ra, nhiều khâu còn làm thủ công nên cũng làm ảnh hưởng môi trường xung quanh. Vì vậy, nếu không tìm giải pháp sớm thì không một nhà đầu tư nào có thể tiếp tục duy trì hoạt động liên tục thêm trong vòng 3 tháng”.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, các thành viên cuộc họp đã biểu quyết thống nhất di dời kết hợp với cải tạo nâng cấp nhà máy lên 500.000 tấn/năm. Đồng thời giao cho ông Bùi Long Xuyên là Tổng giám đốc công ty phải có trách nhiệm xây dựng lập phương án báo cáo nhà đầu tư là Công ty Thái Hưng trước 31/7/2017.

Ưu tiên hỗ trợ cho công nhân, đổi mới công nghệ

Ngày 15/8/2017, Công ty Thái Hưng đã họp với thép Gia Sàng. Tại cuộc họp, đại diện Công ty Thái Hưng ông Nguyễn Duy Luân, đã chấp thuận đề nghị tạm dừng sản xuất và đồng ý phương án di dời nhà máy vào khu vực Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên kết hợp với chuyển đổi công năng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất hiện hữu. Thái Hưng cũng đề nghị Gia Sàng có phương án sử dụng lao động để Thái Hưng xem xét trợ cấp và mức trợ cấp cho mỗi lao động làm việc trong thời gian 3 tháng dừng sản xuất (7,8,9). Đồng thời, Thái Hưng sẽ có phương án ưu tiên bố trí lao động của Gia Sàng trong suốt thời gian nâng cấp, cải tạo cũng như vận hành nhà máy mới sau này.

Ngay sau cuộc họp, Công ty Thái Hưng đã có văn bản báo cáo, trình UBND tỉnh Thái Nguyên xin chủ trương thực hiện. Ngày 23/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 5322/UBND-CNN, do Chủ tịch Vũ Hồng Bắc về việc đồng ý chủ trương cho Công ty Thái Hưng thực hiện Dự án di dời, cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng lên 500.000 tấn/năm đến khu vực đất của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. Diện tích sử dụng đất khoảng 5 héc ta, tổng vốn đầu tư dự kiến 834,564 tỷ đồng.

Trả lời phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty Thái Hưng cho biết: “Việc xin di dời này cũng nhằm tuân thủ Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến năm 2025. Phê duyệt nêu rõ phải từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu năng lượng và ô nhiễm môi trường”.
Di dời nhà máy thép Gia Sàng, Thái Nguyên:
Nhà máy Thép Gia Sàng hoang tàn sau thời gian dài hoạt động thua lỗ
Đồng thời, theo bà Vinh cùng với việc di dời, nâng cấp, cải tạo nhà máy, để phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất, Công ty đã xin chủ trương để thực hiện Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) chứ không có chuyện phân lô, bán nền. Quyết định chủ trương đầu tư nêu rõ, dự án có quy mô khoảng 34,19ha với các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại, nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại... Diện tích sử dụng đất là khỏang 34,19ha trong đó phần diện tích đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cho Công ty Thái Hưng thuê tại Quyết định số 2448/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 là 21,44 ha, phần diện tích mở rộng là 12,75 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.134 tỷ đồng với mục tiêu tạo ra khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, trường học và nhà ở văn minh hiện đại...tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Mặt khác, nhà máy nằm giữa trung tâm thành phố không còn phù hợp với Quyết định số 2846/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 20/12/2016 về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035. Quyết định chỉ rõ đến năm 2035 các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực đô thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị.

Trước những thông tin mà phía doanh nghiệp cung cấp, mong rằng, Công ty Thái Hưng sẽ tạo mọi nguồn lực để “vực dậy”thương hiệu thép Gia Sàng góp phần bảo đảm cuộc sống của hàng trăm người lao động cũng như đóng góp vào sự phát triển đất nước. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho nhà đầu tư sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, tránh lãng phí tài nguyên.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng thay đổi KHCN, vực dậy một thương hiệu thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO