Xã hội

Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk): Đồng hành vượt lên đói nghèo

Đình Thắng 07/12/2018 11:23

(TN&MT) - Huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) bằng nhiều chương trình hỗ trợ, giúp cho người nghèo nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng đã và đang có sức lan toả mạnh mẽ, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống của người dân.

Giúp người nghèo vươn lên

Hiện nay, xã Ea Bông đang triển khai chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo tại một số thôn, buôn với 19 hộ được hỗ trợ bò giống sinh sản và cây giống; tổng kinh phí thực hiện gần 340 triệu đồng. Được biết, xã Ea Bông hiện còn 571 hộ nghèo, chiếm gần 18,6% số hộ toàn xã, hộ đồng bào DTTS là 424 hộ.

images474002_anh_kem_tin_xa_dang_kang.jpg
Từ sự hỗ trợ của Chương trình, nhiều người dân đã có nhà mới khang trang.

Hay tại xã Đray Sáp, huyện Krông Ana là một trong những xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo còn cao. Những năm gần đây, công tác giảm nghèo bền vững của xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Hòa Quang Trịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho biết: “Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, xã Dray Sáp đã hỗ trợ các hộ nghèo cây con giống, xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề và các chính sách y tế, giáo dục... Trong đó, hiệu quả rõ rệt nhất là chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản, hỗ trợ xây dựng nhà ở và đào tạo nghề gắn với việc làm tại chỗ như: trồng nấm, nghề xây dựng”.

Đơn cử như trường hợp hộ anh Y Chinh Bkrông - buôn Kala, xã Dray Sáp. Năm 2016, anh Y Chinh Bkrông được tham gia lớp dạy nghề trồng nấm miễn phí dành cho người nghèo, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại trồng nấm sò rộng 80 m2 quy mô 4.300 bịch trồng nấm. Áp dụng những kiến thức được học cùng sự chăm chỉ, cần cù đã cho anh thu nhập tốt. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt trừ chi phí thu lãi 10 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh Y Chinh tiếp tục mở rộng thêm diện tích để trồng nấm rơm đang hứa hẹn những lứa nấm bội thu.

images2636956_ng_i_nh__khang_trang_do_ch_nh_anh_y_chinh_x_y_d_ng_sau_khi____c___o_t_o_ngh_..jpg
Ngôi nhà mới do chính anh Y Chinh Bkrông xây dựng.

Hay như gia đình anh Y Hai Adrơng - buôn Kala, xã Dray sáp có cuộc sống gia đình quá khó khăn nên trong suốt nhiều năm, vẫn phải sống trong căn nhà tạm bợ của người quen. Mãi đến đầu năm 2018, với số tiền được hỗ trợ của chính quyền địa phương và nguồn vốn vay từ Chương trình 167, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố để ở, ổn định cuộc sống. Bây giờ, vợ chồng anh đã có thể yên tâm lao động, sản xuất để lo cho các con ăn học.

Hỗ trợ phải gắn với nhu cầu

Ông Nguyễn An Tông - Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Ana chi sẻ: Dù công tác hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp, nghành và địa phương quan tâm thực hiện và đề ra nhiều giải pháp, song, hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Trong đó, một nguyên nhân là do bộ phận người dân chưa thực sự có ý thức phấn đấu tự vươn lên để thoát nghèo, vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Một nguyên nhân nữa là do nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, nhỏ giọt, không thiết thực với nhu cầu thực tế của các hộ nghèo.

Ông Tòng chỉ rõ: Dễ thấy nhất, qua thực tế, thực hiện Chương trình 102 về việc cấp giống cây trồng, vật nuôi, muối i-ốt, quà và tiền mặt cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Cụ thể như xã Ea Bông, huyện Krông Ana- trung bình mỗi năm, chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo khoảng 300 triệu đồng. Tuy vậy, hầu hết, cây, con giống cấp cho các hộ đều không phát huy hiệu quả, đa số giống đưa về không phát triển tốt hoặc bị chết nên người dân không mấy mặn mà. Hay như với Chương trình 2085 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề vẫn mãi chưa thể thực hiện được do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chưa đưa về, hỗ trợ nhỏ giọt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk): Đồng hành vượt lên đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO