Đặc biệt, vấn nạn tham nhũng vẫn là mối lo lửng lơ trên đầu trước bao câu hỏi, bao trăn trở của những người tâm huyết với vận mệnh nước nhà.
Thực ra, điều này không mới.
Tại báo cáo của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội khóa trước đã chỉ ra rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng, hiệu lực và hiệu quả của các cấp chính quyền dường như chưa làm người dân an lòng. Tham nhũng đang xâm lấn trên nhiều lĩnh vực. Thậm chí, cả các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng cũng bị tấn công.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ tại Quốc hội ngày 4/11 cũng chỉ ra rằng, “tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp”. Nó là vấn nạn gặm nhấm niềm tin của cử tri cả nước.
Cuộc chiến chống tham nhũng còn dài lâu và đòi hỏi sự đồng lòng trong nhận thức và hành động của tất thảy các cấp, các ngành. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã từng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng là sự thiếu gương mẫu, tha hóa của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Biết là thế, nhưng bấy lâu thông tin về các vụ việc tham nhũng chủ yếu vẫn là từ dân và báo chí, còn từ cơ quan chính quyền cấp, các Bộ ngành, từ người đứng đầu cơ quan đó rất ít.
Ảnh minh họa |
Với gần 100 trường hợp lãnh đạo cấp cao bị xử lý, kỷ luật, thậm chí truy tố, đang khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đó là những bằng chứng sống cho thấy, những kẽ hở trong hệ thống hành chính cũng như những “vòng vèo” trong các thủ tục và cả sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ đã nảy sinh sự tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ, hối mại chức quyền.
Một thực trạng được khá nhiều cử tri phản ánh, Đại biểu Quốc hội cảnh báo là tệ tham nhũng, cửa quyền ngày càng trầm trọng. Để chống tham nhũng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải triệt tiêu tư tưởng quyền lợi cục bộ của các Bộ ngành, phải đánh triệt hẳn tệ nhận phong bì, quà cáp trong các giao dịch của các cơ quan hành chính.
Thực tế này đang thật sự là mối lo ngại của nhiều Đại biểu Quốc hội. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, những âu lo về sự chông chênh trong tăng trưởng như càng tăng bởi người ta vẫn chưa cảm nhận được khả năng đột biến để tránh nguy cơ tụt hậu. Đã có không ít những cảnh báo về tính bền vững của tăng trưởng ở Việt Nam. Cái giá của sự tăng trưởng là gì, bao nhiêu, như thế nào, cho đến nay vẫn chưa có một số liệu cụ thể??? Đằng sau những dự án đầu tư, các khu công nghiệp và lợi tức thu được của các doanh nghiệp có bao nhiêu gia đình mất đất không được đền bù xứng đáng, bao nhiêu người dân quê bị “vô sản hóa”, bao nhiêu tệ nạn phát sinh…
Có đại biểu cũng chỉ ra rằng: Kinh tế tăng trưởng mà lòng dân bất ổn, có lỗi từ hệ thống chính trị, Chính phủ cần mổ xẻ vấn đề này. Và nếu nỗi lo này ở cơ quan quyền lực cao nhất đánh thức sự trì trệ có ở nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp đó sẽ là điềm mừng. Vậy nhưng, quả không dễ gì dứt bỏ những ham hố ở mỗi cá nhân khi “danh cương, lợi tỏa”.
Chúng ta đã có những chế tài mạnh, buộc tổ chức, cá nhân phải bồi thường khi ra quyết định không chính xác, gây tổn thất cho dân. Chúng ta cũng đã một bước thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật bằng việc đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ án tham nhũng với việc chỉ rõ trách nhiệm của từng vị trí cụ thể. Một sự quyết liệt, nghiêm minh như thế là cần thiết.
Thế nhưng, bên cạnh những nỗ lực ấy, cử tri và Quốc hội đang trông chờ sẽ có một báo cáo mang tính điều tra để đánh giá được tỷ trọng và chất lượng sự thụ hưởng của nhân dân từ những thành tựu mà Chính phủ báo cáo. Và đó cũng chính là phần báo cáo về chất lượng của một Chính phủ “của dân, do dân, vì dân”.