Triển khai Luật Đất đai 2024

Đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống: Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương

Trường Giang (thực hiện) 26/04/2024 - 13:03

(TN&MT) - Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới được kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp và người dân. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội về nội dung này.

14-1-.jpeg
PGS TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

PV: Theo ông, Luật Đất đai 2024 sẽ đem lại những cơ hội như thế nào đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh?

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Theo tôi, Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Bởi, phần lớn các doanh nghiệp đều coi đất đai là điều kiện vật chất cần thiết để tiến hành các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2 khó khăn cơ bản là những điểm nghẽn về thể chế, pháp lý và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Để giải quyết vấn đề này, quán triệt quan điểm của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ngày 16/6/2022 là tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp lý và phát huy nguồn lực đất đai, góp phần đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, do đó, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Đồng thời, việc tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý nhằm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển. Theo tôi, tinh thần của Luật Đất đai 2024 là đảm bảo việc tiếp cận đất đai theo nguyên tắc thị trường công khai, minh bạch; phát huy vai trò của nguồn lực đất đai; bảo hộ có hiệu quả hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm và thanh tra, kiểm tra, xử lý.

PV: Vậy Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ được những điểm nghẽn, vướng mắc gì cho việc kinh doanh, hoạt động sản xuất, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Theo tôi, thứ nhất về tiếp cận đất đai, Luật đã có những quy định thông thoáng hơn và đảm bảo bình đẳng hơn. Chẳng hạn, Luật cho phép tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Điều này có nghĩa chúng ta nhìn nhận đối tượng sản xuất nông nghiệp không phải là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cả những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp như có năng lực, điều kiện đầu tư, tổ chức để sản xuất nông nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lợi dụng việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để phân lô, bán nền rồi chuyển mục đích sử dụng vì vụ lợi như vụ việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, trong Luật quy định, tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng và quyền sử dụng đất nói chung nhưng doanh nghiệp, cá nhân phải có phương án sản xuất, kinh doanh và khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, không được thay đổi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điểm thứ hai, Luật cho phép người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có tất cả các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất như cá nhân trong nước. Điều này cũng tạo điều kiện để cho các cộng đồng Việt kiều được đầu tư vào Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Thứ ba là đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Luật lần này cũng gỡ bỏ rào cản cho phép tổ chức kinh tế cũng được tiếp cận đất đai thông qua giao dịch về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Luật cũng bổ sung quy định về tích tụ, tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, điều kiện và nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về đất sử dụng đa mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.

Ngoài ra, Luật cũng phân cấp phân quyền, loại bỏ các thủ tục hành chính, thủ tục trung gian trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và việc giao đất, cho thuê đất. Theo đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất sẽ đảm bảo được tính chất, nguyên tắc thị trường và đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng thì sẽ giảm các hiện tượng “bôi trơn”, doanh nghiệp sân sau như đã từng xảy ra, một số địa phương.

14-1-.jpg
Một góc đô thị Cần Thơ. Ảnh: Thư Kỳ

PV: Thưa ông, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở Luật là ngày 1/1/2025), ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Theo tôi, người dân, doanh nghiệp cũng như mọi tầng lớp trong xã hội đã chờ đợi việc Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013 từ lâu. Bởi lẽ, Luật Đất đai 2013 trên thực tế vận hành có nhiều quy định vướng do sự phát triển của kinh tế - xã hội và sau 10 năm thi hành, Luật đã bộc lộ những điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển.

Tuy nhiên, việc sửa Luật cũng không đơn giản vì Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, nhạy cảm vì có liên quan đến nhiều vấn đề, ví dụ như Luật Đất đai liên quan đến khoảng 118 luật, trong đó có 22 luật liên quan trực tiếp bởi hầu hết hoạt động của con người đều liên quan tới đất mà các quan hệ giữa con người liên quan đến đất đai thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều luật. Do đó, để đảm bảo được tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giữa Luật Đất đai với các đạo luật khác cũng là một trong những yêu cầu rất khó.

Do đó, chúng ta phải có thời gian để tổng kết thực tiễn, có lập luận cơ sở khoa học và kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Do đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Luật Đất đai phải qua 4 kỳ họp Quốc hội, trước đó có 6 kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 hội nghị của đại biểu chuyên trách và lấy ý kiến của hơn 12 triệu nhân dân trong và ngoài nước. Điều này cho thấy việc sửa Luật Đất đai là một công việc rất phức tạp.

Như chúng ta đã biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, Luật có khoảng gần 100 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, đây là những vấn đề khó, phức tạp, phải có thêm thời gian.

Tuy nhiên, do yêu cầu quá cấp thiết, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024. Việc rút ngắn một nửa thời gian như thế này cũng góp phần đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và những sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những tác dụng tích cực cho doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, việc rút ngắn này phải đảm bảo điều kiện xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành đồng bộ, chi tiết, để nếu có hiệu lực sớm sẽ có thể triển khai một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực.

PV: Từ nay tới 1/7/2024, thời gian không còn nhiều, vậy Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần phải làm gì để sớm đưa Luật vào cuộc sống?

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Qua theo dõi trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai 2024, cách đây 2 - 3 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt tay vào tiến hành xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Điều này cho thấy, không phải đợi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành hữu quan mới bắt tay vào xây dựng văn bản.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký kế hoạch về tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó đã giao rõ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cho các bộ, ngành và phân công các bộ, ngành hữu quan phối hợp xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Đồng thời trong phạm vi chức trách của các bộ, ngành, rà soát các luật chuyên ngành để phát hiện những mâu thuẫn, những điểm không phù hợp với Luật Đất đai 2024 để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành hữu quan được phân công đang triển khai tích cực, rất tích cực để thực hiện kế hoạch Thủ tướng đã đề ra.

Tôi cho rằng, việc tổ chức triển khai, thực hiện để đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng tích cực hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tích cực của các địa phương. Do đó, vai trò hiện nay của các địa phương là rất quan trọng trong việc tổ chức triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ phải đồng hành theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và kịp thời chỉ đạo để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.

Với nỗ lực, quyết tâm của tất cả các cơ quan chuyên môn, sự phối hợp chặt chẽ, khoa học của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, hy vọng Luật Đất đai 2024 sẽ sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống: Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO