Giải pháp giảm thiểu sạt lở đất đá dựa vào tự nhiên
(TN&MT) - Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất đá, lũ quét đặc biệt tại khu vực miền núi Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu về nguy cơ sạt lở đất đá và những giải pháp giảm thiểu tác hại của tình trạng sạt lở dựa vào tự nhiên.
PV: Xin ông cho biết về những nguyên nhân chính nào dẫn đến những vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền núi hiện nay?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở khu vực trên chủ yếu do mưa lớn, đặc biệt trong mùa gió mùa từ tháng 5 đến tháng 10. Các yếu tố như độ dốc lớn, phá rừng, sử dụng đất cũng như điều kiện địa chất góp phần làm cho các khu vực dễ bị sạt lở đất. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, xây dựng đường sá và cắt dốc không đúng cách cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất. Cũng do đặc điểm địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu gió mùa với cường độ mưa lớn trong mùa mưa, sạt lở đất đá ở khu vực miền núi là một trong những thiên tai thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La rất dễ xảy ra sạt lở đất đá do địa hình hiểm trở và mưa lớn; Các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất do có độ dốc lớn và mưa lớn. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2023, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương các khu vực miền núi thường xảy ra mưa lớn, lốc xoáy và sạt lở khiến 9 người chết. Gần đây, một vụ sạt lở xảy ra ở khu vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm 3 cán bộ Cảnh sát giao thông và một người dân tử vong.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để giảm thiểu diễn biến phức tạp cửa hiện tượng trượt lở đất đá trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất đá và thiệt hại, đã có nhiều giải pháp được triển khai, như tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, tiến hành khảo sát địa chất, lập bản đồ các khu vực dễ bị sạt lở đất và thực hiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất để kiểm soát việc xây dựng ở các khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy trồng rừng, tái trồng rừng và kiểm soát xói mòn đất cũng là các giải pháp quan trọng đã được triển khai.
Tuy nhiên, sạt lở đất đá ở mỗi khu vực có những đặc thù và nguyên nhân khác nhau, nhìn chung là do mưa lớn kết hợp với điều kiện địa hình và tự nhiên của địa phương. Trong số các giải pháp nêu trên, việc phòng chống và giảm thiểu sạt lở đất đá dựa vào tự nhiên là giải pháp thực tế có tính khả thi cao và bền vững bởi giải pháp này chính là cách tiếp cận mà con người có thể tham gia trước hoặc sau khi thảm họa xảy ra, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại. Thông qua việc bảo tồn, cải thiện và sử dụng bền vững hệ sinh thái và các dịch vụ, ý tưởng về các giải pháp dựa vào thiên nhiên đã được đánh giá là một cách tiếp cận phù hợp nhằm cải thiện khả năng phục hồi sinh thái xã hội, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, và nâng cao sinh kế.
Các giải pháp phòng chống sạt lở đất dựa vào tự nhiên liên quan đến việc sử dụng các phương pháp sinh thái và thân thiện với môi trường để giảm nguy cơ sạt lở đất. Trong cách tiếp cận dựa vào tự nhiên, các kỹ thuật môi trường, sinh học và trồng rừng là những kỹ thuật chính. Trong đó, giải pháp tăng cường thảm thực vật phù hợp là giải pháp chính, kết hợp với các kỹ thuật sinh học sẽ gia tăng kết dính đất và giảm nguy cơ sạt lở đất đá.
Cụ thể, một số nhóm giải pháp dựa vào tự nhiên phổ biến để phòng chống sạt lở đất có thể kể đến như: Trồng rừng và tái trồng rừng, quản lý thảm thực vật, xây dựng ruộng bậc thang, áp dụng kỹ thuật sinh học đất, quản lý và sử dụng hệ thống thoát nước, lắp đặt các biện pháp vật lý như gia cố mái dốc,… Điều quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của khu vực dễ bị sạt lở đất, bao gồm thành phần đất, khí hậu và địa hình.
PV: Ông có thể đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cho việc triển khai các mô hình, giải pháp về phòng chống sạt lở dựa vào tự nhiên?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Bản chất của giải pháp này là tăng cường lớp phủ thực vật thông qua việc kết hợp các kỹ thuật lâm – sinh, nghĩa là trồng rừng với lựa chọn các cây trồng có đặc tính sinh học phù hợp cho giảm thiểu sạt lở đất đá. Trên đất trống trước hết cần trồng các cây tiên phong tạo hoàn cảnh rừng, sau đó trồng các cây bản địa phù hợp với thổ những khí hậu tại địa điểm trồng, mỗi địa phương có tập đoàn cây bản địa khác nhau; Loài cây ưu tiên trồng là cây có bộ rễ cọc, ăn sâu xuống lòng đất và có thể bám vào đá mẹ, dẻo dai, có sức chống chịu gió bão, ưu tiên trồng cây bản địa của địa phương. Ví dụ tại Quảng Ninh đã trồng cây Thông, lim, sồi phảng, re hương,…
Đối với khu vực miền núi như Tây Nguyên, cần lựa chọn loại cây trồng phù hợp với tiêu chí cây trồng chống sạt lở như: Có ý nghĩa về thủy văn; Có các đặc điểm sức mạnh của bộ rễ; Có ý nghĩa sinh thái và có giá trị kinh tế. Ngoài ra, còn có các tiêu chí khác để cân nhắc khi chọn loại cây trồng nên là cây bản địa đã thích nghi với điều kiện ở địa phương, vật liệu trồng (cây con, hạt giống…) sẵn có ở địa phương và dễ nhân giống với số lượng lớn, là cây trồng hỗn giao hay thuần loài với giá thành vật liệu trồng phù hợp... Đối với các mô hình trồng mới như cây công nghiệp, cây ăn quả (Sầu riêng, Bơ, Cà phê, Tiêu...) thì cần tuân thủ nguyên tắc sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng.
Đồng thời, trong công tác quản lý Nhà nước, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất cây lâu năm, cây công nghiệp (Sầu riêng, Bơ, Cà phê, Tiêu...); đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao, đất dốc và khu vực triển khai công trình GTVT, công trình xây dựng,…
Trân trọng cảm ơn ông!