Nhiều năm trước đây, Mường Nhé là huyện có tỷ lệ phá rừng thuộc “tốp” đầu của tỉnh, tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp với hàng trăm héc ta rừng tái sinh, rừng sản xuất bị tàn phá nặng nề. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là từ chính sách chi trả DVMTR đã khơi gợi tinh thần đoàn kết, để người dân thêm yêu, gắn bó với rừng... và giúp rừng có thể hồi sinh.
Ðến với bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, nhìn những cánh rừng bạt ngàn phủ màu xanh mượt mà trải dài khắp các sườn đồi, đó là thành quả của biết bao thế hệ người Hà Nhì ở vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang nỗ lực chăm sóc rừng như bảo vệ cho chính “mầm sống” của họ…
Trưởng bản Lỳ Khò Chừ phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui khi thấy rừng ngày một thêm xanh, nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển vốn rừng của Ðảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Nếu trước đây người Hà Nhì có lối sống du canh, du cư, phá rừng làm nương thì giờ đây nhận thức về chăm sóc, bảo vệ rừng của người Hà Nhì đã có sự thay đổi rõ rệt; bà con thường xuyên được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của rừng, tác hại của việc chặt phá rừng... Cùng với đó, từ chính sách chi trảDVMTR người dân có nguồn thu nhập ổn định nên ý thức giữ rừng ngày một nâng lên.
Ông Thào A Dế, phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, không chỉ từng bước ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, an cư giữ đất, giữ rừng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Do không nằm trong khu vực rừng đầu nguồn có các thủy điện lớn, diện tích rừng tại lưu vực đầu nguồn sông Mã những năm trước đây nhận được tiền số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chỉ khoảng 6 nghìn đồng/ha. Do lượng tiền quá nhỏ nên người dân thường không đến nhận tiền gây khó khăn cho công tác chi trả DVMTR. Người dân cũng quản lý bảo vệ rừng nhưng tiền nhận về chưa được trả xứng đáng với công quản lý, bảo vệ.
Để giảm mức chênh lệch đơn giá giữa các lưu vực và kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 về việc điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018 từ lưu vực sông Đà (lưu vực nhà máy thủy điện Lai Châu) có mức chi trả lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng sang lưu vực sông Mã và lưu vực nhà máy nước TP. Điện Biên Phủ.
Số tiền được điều tiết là 4.666.096.266 đồng (bốn tỷ, sáu trăm sáu mươi sáu triệu, không trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm sáu mươi sáu đồng) tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018 của lưu vực sông Đà (lưu vực nhà máy thủy điện Lai Châu) sang chi trả cho lưu vực sông Mã trên địa bàn các huyện Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên (gồm các xã: Nà Tấu, Phu Luông, Mường Lói), Tuần Giáo (gồm các xã: Quài Cang, Tỏa Tình, Nà Sáy, Mường Thín, Mường Khong, Tênh Phông, Chiềng Sinh, Chiềng Đông, Quài Tở) và lưu vực Nhà máy nước TP. Điện Biên Phủ tại địa bàn các xã Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Pồn (huyện Điện Biên).
Anh Lò Văn Thiêm, trưởng bản Lói 1, xã Mường Lói, huyện Điện Biên, chia sẻ: Cả bản có trên 697,5ha rừng, trước kia, số tiền chi trả DVMTR ở đây rất thấp, chỉ khoảng 6 nghìn đồng/ha. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng của bà con dân bản vẫn thực hiện rất tốt. Trước thông tin tiền chi trả DVMTR được tăng lên, bà con nhân dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Khi nhận số tiền chi trả DVMTR thì chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ rừng càng được siết chặt.
Giao khoán rừng cho người dân để chăm sóc, bảo vệ là chính sách đúng đắn, nhằm hạn chế phá rừng, góp phần phát triển rừng bền vững. Việc UBND tỉnh Điện Biên điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với những diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã đã đem đến niềm vui cho những người giữ rừng nơi đây, tạo động lực cho người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng, từ đó công tác quản lý, bảo vệ rừng thêm phần hiệu quả.