Cùng đó, đã quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; chỉ đạo kịp thời công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; đặc biệt là việc kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã hạn chế được giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Nhiều địa phương đã hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền; triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và nhiều nhiệm vụ được trọng tâm được quy định trong Luật…
Tuy vậy, qua tổng hợp đánh giá thi hành luật của các tỉnh, thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn lực đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy hiệu quả. Nhiều nơi, dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm tiến độ, lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp; có trường hợp định giá đất để tính thu nghĩa vụ chưa phù hợp, gây thất thoát ngân sách. Cơ chế tạo quỹ đất chưa được quan tâm thực hiện. Khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lơn hơn 70%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, vẫn còn chồng chéo, không thống nhất trong quy định của pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất thầu còn một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, và một số nội dung phát sinh mới mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh nên khó khăn cho khâu tổ chức thi hành.
Chẳng hạn như, tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất nhằm mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và theo hướng thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất so với trước đây. Tuy vậy, trên thực tế có trường hợp thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong Luật dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật đã có quy định, nhưng không tổ chức thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ, công tác thanh, kiểm tra, theo dõi thi hành còn hạn chế.
Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung 5 nhóm vấn đề
Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và góp phần tạo động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc tổ chức thi hành và lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Hiện nay, Bộ TN&MT đã soạn thảo các dự thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân về 5 nhóm vấn đề như:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng; giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và hình thức chỉ định; người sử dụng đất… để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung, sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở,…
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển dịch đất đai như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể sẽ tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhận; điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; các quy định để người sử dụng đất thực hiện các quyền một cách thuận lợi, tạo điều kiện để thị trường quyền sử dụng đất nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng phát triển.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất nhằm một mặt giải quyết những ách tắc trong tổ chức thực hiện, khắc phục tình trạng lợi dụng trục lợi, tham nhũng từ đất đai; mặt khác nhằm đảm quyền lợi cho người dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm triệt để cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.