Luật Đất đai 2024: Tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững
Luật Đất đai 2024 đã có quy định về tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay, giúp các doanh nghiệp nông nghiệp có quỹ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp “sạch” quy mô lớn tập trung.
Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai; quy định chặt chẽ chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, pháp luật hiện hành đã quy định người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tập trung đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Có chính sách khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi đất cho nhau; khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất thành cánh đồng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ; số thửa ruộng của một hộ giảm, diện tích thửa ruộng tăng. Trong thực tế đã có một số mô hình tập trung đất đai như dồn điền, đổi thửa (chuyển đổi đất nông nghiệp); thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất; phát triển mạng lưới tập trung đất đai để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, bên cạnh đó chưa thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn; người nông dân còn có tâm lý “giữ đất”, trên thực tế có nhiều trường hợp người có nhu cầu tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp không thỏa thuận được với người sử dụng đất về thuê quyền sử dụng đất, không thống nhất về giá thuê và thời hạn thuê đất; có trường hợp chỉ một số ít người nông dân không có sự đồng thuận dẫn đến diện tích manh mún, không tạo lập được đủ mặt bằng để nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất; mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thể thấy được những khó khăn và rủi ro cho nông dân nếu việc quản trị không minh bạch, nông dân không được tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh...).
Để giải quyết vấn đề này, thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 18, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về tích tụ, tập trung ruộng đất.
Tại điều 83, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai do Bộ TN&MT xây dựng quy định về thực hiện tập trung đất nông nghiệp (hướng dẫn khoản 6 Điều 192, Luật Đất đai 2024) quy định: Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung sau: Phương thức tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai đối với từng người sử dụng đất, từng diện tích đất; Thời gian thực hiện tập trung đất nông nghiệp; Tỷ lệ diện tích đất mà người sử dụng đất phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng để đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp; Phương án hoàn trả đất cho người sử dụng đất sau khi kết thúc việc tập trung đất nông nghiệp. Việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tham gia tập trung đất nông nghiệp đối với từng phương thức tập trung; Các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau: Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp; Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất; Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích nông nghiệp được tập trung; Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp; Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.
Trường hợp khu vực tập trung đất nông nghiệp có diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa cho thuê thì tùy vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp xã cho tổ chức, cá nhân tập trung đất nông nghiệp thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp trong khu vực tập trung đất nông nghiệp mà có diện tích đất chưa sử dụng hoặc đất nông nghiệp có cùng mục đích sử dụng với phương thức tập trung đất đai đang do Nhà nước quản lý không thuộc quy định tại Nghị định thì UBND cấp có thẩm quyền cho tổ chức, cá nhân tập trung đất nông nghiệp thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp thời hạn sử dụng đất của thửa đất ít hơn thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất thì người sử dụng đất đề nghị UBND cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất; đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai thì người sử dụng đất không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
Tại điều 84 về thực hiện tích tụ đất nông nghiệp (hướng dẫn khoản 5 Điều 193) quy định: Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua các phương thức: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này phải lập phương án sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai gửi UBND cấp huyện. Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định phương án sử dụng đất nông nghiệp và có văn bản chấp thuận, trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thực hiện việc đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
Trường hợp trong khu vực tích tụ đất nông nghiệp theo phương án có diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý thì tổ chức thực hiện tích tụ đất nông nghiệp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện phương án tích tụ.
Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.