Lồng ghép các nguồn vốn Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 17 quy định về cơ chế lồng ghép và quản lý các nguồn vốn thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, tỉnh Đắk Nông xác định các hình thức lồng ghép các nguồn vốn khác nhau giữa 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững để đầu tư xây dựng một công trình, dự án hoặc nhiều công trình dự án; đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn một xã hoặc liên xã.
Bên cạnh đó, lồng ghép giữa nguồn vốn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo; lồng ghép với các nguồn vốn ODA, FDI và NGO trên địa bàn tỉnh; lồng ghép giữa nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn tài trợ, nguồn vốn do người dân đóng góp thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững...
UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương để bố trí nguồn kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn về giáo dục, y tế, giao thông... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, kích thích tiêu thụ hàng hóa, xóa đói giảm nghèo; lồng ghép các nguồn vốn nhằm mục tiêu giảm nghèo, tạo được sự quan tâm và đồng lòng cùng triển khai thực hiện.
Phát huy các nguồn lực
Bên cạnh một số kết quả như trên, trong quá trình huy động nguồn lực phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo trên - địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một số chương trình, dự án vẫn thực hiện đầu tư riêng lẻ, chưa liên kết giữa các dự án, nhất là việc lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; tiến độ giải ngân và huy động vốn còn chậm; một số tiểu dự án triển khai còn chậm, việc kêu gọi sự tài trợ của nguồn vốn khác còn hạn chế.
Trước những khó khăn đó, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cho các sở ngành, địa phương cần nỗ lực, phát huy tốt các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo thiết thực; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân ở các địa bàn khó khăn thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135.
Cùng với đó, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh cần nghiêm túc xây dựng, triển khai kế hoạch trong năm 2018; xác định rõ những công trình, dự án nào có thể lồng ghép với dự án khác, công trình dự án nào huy động sự tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp, của nhà đầu tư trên địa bàn để có phương án triển khai cụ thể; chú ý lồng ghép liên dự án đối với các chương trình, dự án có cùng mục đích đầu tư như: dự án ODA, dự án của các nhà , đầu tư,...