Chương trình 135: Không đủ vốn - thiếu hiệu quả

Trường Giang| 01/05/2015 09:43

(TN&MT) - Sau hơn 15 năm thực hiện, Chương trình 135 đã giúp được nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thay đổi nhận thức và chuyển đổi tập quán sản xuất, làm ăn, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước giúp đời sống người dân ổn định. Dẫu vậy, ở nhiều nơi chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) Phạm Văn Néo cho rằng, khi triển khai Quyết định 102/2009/QĐ-TTg (định mức kinh phí hỗ trợ đối với người dân thuộc hộ nghèo), huyện Ba Tơ cũng như các địa phương ở Tây Nguyên rất khó khăn với kinh phí hỗ trợ chỉ 80 - 100 nghìn đồng so với mặt bằng giá cả hiện nay không thể đủ đầu tư được các mô hình, mà chỉ thực hiện mua một số con gia cầm hoặc cây trồng nhỏ, lẻ hiệu quả không cao...

bg.jpg

Quảng Ngãi là địa phương đã và đang triển khai thực hiện Chương trình (CT) 135 trên 56 xã, 45 thôn đặc biệt khó khăn với tổng vón mỗi năm hơn 87 tỷ đồng (từ năm 2014 đến 2015). Trong 5 năm qua, CT 135,30a được đầu tư hàng loạt dự án, nhưng đến nay một số công trình thi công dở dang, xuống cấp và hư hỏng đã gây lãng phí. Điển hình phải kể đến dự án tuyến đường từ thị trấn Ba Tơ đi Ba Bích dài hơn 4 km với tổng vốn đầu tư 42 tỷ đồng. Đã qua hơn 5 năm thi công (2009), nhưng đến nay vẫn chưa xong chỉ vì hai nhà thầu thực hiện gói thầu số 8 "bỏ trốn". Hậu quả là người dân phải gánh chịu cảnh "mưa bùn, nắng bụi" đi lại khó khăn... Huyện đã nhiều lần gửi giấy mời đến để giải quyết nhưng nhà thầu "bất hợp tác" và mới đây huyện đã gửi đơn kiện đến tòa án chờ xử lý.

"Thực tế, với số tiền hỗ trợ chỉ đủ mua 1-2 con vịt/hộ thì làm sao phát huy được đồng vốn Nhà nước bỏ ra. Chính sách cách xa thực tế và đầu tư nhỏ giọt như vậy thì nếu theo kế hoạch đề ra của huyện đến năm 2020, 100% hộ nghèo trên địa bàn sẽ thoát nghèo bền vững thì khó có thể... thoát nghèo được" - ông Néo khẳng định.

135-1.jpg

Theo các văn bản CT 135, vốn thực hiện từ 3 nguồn: Ngân sách TW; ngân sách địa phương; huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vốn cấp cho các công trình, dự án dù nhỏ, nhưng vãn thiếu (trong khi vốn đối ứng địa phương ít hoặc không có), thời gian cấp chậm dẫn đến đầu tư dở dang không hoàn thiện, gây lãng phí lớn. Đơn cử như Gia Lai, Kon Tum, dù kế hoạch xin vốn từ năm trước và được phê duyệt phân bổ vốn vào đầu năm sau để địa phương triển khai thực hiện, song phải đến tháng 10, tháng 11 mới có vốn. Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải đề xuất: Chúng ta không nên đưa ra quá nhiều chính sách hỗ trợ để dẫn đến chồng chéo, lãng phí mà cần phải tập trung vào hai chương trình tạo đột phá đó là chương trình giảm nghèo nhanh bền vững và xây dựng nông thôn mới. Năm 2015 là năm cuối của giai đoạn 2012-2015 thực hiện CT 135.

Để chính sách phát huy hiệu quả, giải quyết những bất cập, vuớng mắc nêu trên, các địa phương, huyện, xã nghèo miền núi cần lồng ghép nguồn lực đầu tư cho phù hợp với nguồn lực các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn; chú trọng những giải pháp có tính "đột phá", bảo đảm cho người nghèo phát triển sản xuất bền vững.

Đặc biệt, nhiều hợp phần trong CT 135 cần được sớm điều chỉnh để tạo điều kiện cho hộ nghèo miền núi được hưởng chính sách đúng đắn, thiết thực, tránh gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình 135: Không đủ vốn - thiếu hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO