Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Ước tính khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa |
Về mặt kinh tế, chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỷ đô la mỗi năm.
Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương. Nhựa trong môi trường đặt ra mối nguy hiểm lớn cho động vật hoang dã cả trên đất liền và đại dương. Do các dòng hải lưu, các hạt nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành thức ăn cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển.
Một nghiên cứu mới được công bố tháng 7/2020 cho biết, nếu các công ty và Chính phủ không giảm mạnh sản xuất nhựa, lượng rác thải nhựa chảy vào đại dương và giết chết sinh vật biển có thể tăng gấp 3 trong 20 năm tới.
Khi các động vật nuốt phải, các hạt nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong. Rác thải nhựa đã gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, gây ra cái chết cho khoảng 1 triệu chim biển, 100.000 động vật biển có vú và các loại cá khác với số lượng không thể đo đếm được.
Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển và đới bờ cũng như giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương cùng với nỗ lực tăng cường phát triển kinh tế - xã hội.
Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa biển đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương và thu gom 100% dụng cụ đánh bắt bị thất lạc hoặc thải bỏ và xóa bỏ tình trạng xả thải trực tiếp các dụng cụ đánh bắt ra biển.
Theo đó, hàng loạt các tỉnh ven biển Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn. Chẳng hạn, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 70% Khu bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa. TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển.
Điểm nổi bật là, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trong năm, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Băng Cốc trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN.
Hiện nay, trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đã chỉnh sửa, bổ sung, cụ thể hóa quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Rõ ràng, nhận diện những ảnh hưởng tiêu cực từ rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp ở các cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ thu gom chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng đã gia tăng hàng năm, nhưng, tỷ lệ chất thải được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn khá thấp, công nghệ xử lý và tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao, gây ô nhiễm môi trường.
Tại TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250 nghìn tấn chất thải nhựa được tạo ra, trong đó, 48 nghìn tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%, còn lại hơn 200 nghìn tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Thế nên, để chống rác thải nhựa, chúng ta cần hành động nhanh chóng trên một quy mô lớn. Có như vậy, những nguy cơ từ rác thải nhựa mới dần được ngăn chặn, hành tinh của chúng ta mới bớt ô nhiễm, và môi trường sống của chúng ta mới trở nên an lành.