Rác thải nhựa - vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hiện nay
(TN&MT) - Dù sống ở đâu, thừa nhận hay không, ai trong chúng ta cũng đều đang phát sinh ra một lượng rác thải nhất định mỗi ngày.
Theo thống kê, trung bình lượng rác thải của 1 người dân đô thị ở Việt Nam vào năm 2018 là 1,31 kg/người/ngày (World Bank, 2018). Và toàn bộ lượng rác đó sẽ được bỏ vào thùng rác hoặc các túi nilon đựng rác để vứt bỏ.
Cách chúng ta sử dụng nhựa là vấn đề nghiêm trọng
Quả thực, rất ít người trong chúng ta đã từng mở thùng rác ra để xem bên trong có những thành phần gì. Đa phần ai cũng nghĩ rác đã vứt đi thì không cần phải xem lại, và những thứ vứt đi là những thứ không sử dụng hoặc không cần thiết nữa. Nhưng có thể chắc chắn 1 điều, trong thùng rác gia đình nào giờ đây cũng có nhựa. Nhựa đang chiếm 3,4-10,6 % thành phần rác thải của mỗi người dân đô thị (World Bank, 2018). Chúng ta đang sống ở một thế giới mà nhựa được ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm. Đặc tính bền, rẻ và tiện lợi giúp nhựa trở thành một dạng sản phẩm hiển nhiên không thể thiếu trong cuộc sống. Người dân, đặc biệt là ở các đô thị gần như đang bị bao quanh bởi các sản phẩm nhựa, vì vậy để loại bỏ nhựa ra khỏi cuộc sống mỗi người không phải là một việc dễ dàng.
Trong quá khứ, chắc chắn nhựa không phải là vấn đề đáng ngại như ngày nay. Nhựa vốn dĩ là 1 loại vật liệu được phát minh và sử dụng trong khoảng 50 năm nay, nhưng cách mà chúng ta sử dụng nhựa mới đang là vấn đề nghiêm trọng. Bất kì vật dụng nào trong cuộc sống cũng có thể là nhựa, kể cả những thứ mà chúng ta ít nghĩ đến nhất, chẳng hạn như màng bọc thực phẩm, bỉm, túi nilon, lốp xe, đều có chứa thành phần lớn nhựa.
Với một xã hội tiêu dùng như hiện nay, việc mua và sử dụng một vật dụng, đặc biệt là sản phẩm nhựa, và bỏ đi ngay lập tức là rất phổ biến, từ đồ ăn thức uống đến các bao bì sản phẩm. Nước uống được chứa trong các chai nhựa, thực phẩm đựng trong các túi nilon bọc quanh, hàng quán cung cấp đồ dùng nhựa sử dụng 1 lần, hay dịch bệnh Covid cũng như thời đại thương mại điện tử khiến mọi người đã quen với thói quen đặt hàng online và được gửi đến trong các bao nilon nhựa kín mít.
Vậy tại sao lại cần kêu gọi giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần.
Vì nhựa rất khó tái chế. Thêm hóa chất khác nhau, mỗi loại nhựa sẽ có công thức hóa học khác nhau, ví dụ như PET, HDPE, PE,…. Chính điều này dẫn đến việc tái chế rất khó khi không xác định được rõ chủng loại và công thức hóa học riêng của từng sản phẩm. Hầu hết nhựa được "tái chế" thành các sản phẩm chất lượng thấp hơn thay vì được tái chế lại sản phẩm ban đầu. Sau khi phân loại thành các loại polyme khác nhau, nhựa được nghiền, rửa và nấu chảy thành các viên nhỏ. Đối với chai PET, nhựa được chế biến thành quần áo nhựa tổng hợp, hoặc quả bông trang trí, nhưng chu trình đó sẽ tiếp diễn.
Biểu đồ này cho thấy so với các vật liệu khác, tỷ lệ tái chế nhựa là thấp nhất (29%)
Nhìn vào các gian hàng siêu thị, có thể thấy sản xuất nhựa đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những con số thực tế còn đáng sợ hơn nhiều. 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất kể từ khi nhựa được phát minh ra cách đây 60 năm, phần lớn trong số đó được sử dụng cho các sản phẩm dùng một lần. TÍnh trung bình là hơn một tấn mỗi người trên toàn thế giới. Chỉ khoảng 9% trong số đó được tái chế, 12% được đốt và 79% được lưu giữ trong các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên . Và lượng nhựa được sản xuất hàng năm trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng lên.
Hậu quả của việc gia tăng sản xuất nhựa là rất lớn. Sản xuất nhựa dự kiến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, tăng gấp đôi trong 20 năm và gần gấp bốn lần vào năm 2050. Nếu nhựa tiếp tục được sản xuất để sử dụng một lần mà không có hệ thống quản lý chất thải thích hợp, hậu quả sẽ vượt xa sức tưởng tượng của chúng ta.
Chúng ta càng sử dụng nhiều nhựa thì nhựa càng được thải ra môi trường nhiều hơn. Và không chỉ môi trường bị ảnh hưởng, động vật hoang dã bị tác động; nhựa sẽ đi vào trong cơ thể chúng ta, được xác định trong thức ăn của chúng ta. Vi nhựa đã được tìm thấy trong hải sản, muối biển, mật ong, bia, thịt gà, nước, túi trà, nước đóng chai và cả trong phân của con người.
Thực tế, mỗi người chúng ta cần giảm bớt sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng 1 lần.
Sự tham gia của doanh nghiệp
Bên cạnh ý thức dần được cải thiện, ngày càng có nhiều người thực hiện cam kết giảm bao bì nhựa, nhiều cửa hàng giờ đây đã khuyến khích mọi người mang theo hộp đựng riêng để đựng thức ăn, đồ dùng chăm sóc cá nhân và vệ sinh, cũng như cung cấp đồ dùng tái sử dụng và các đồ gia dụng không nhựa khác như mắc quần áo không gỉ và bàn chải gỗ.
Đối với các hệ thống giao hàng, khách có thể đặt hàng trong các hộp đựng tái sử dụng; chúng được giao tận nhà, với bao bì được thu gom hoặc trả lại cửa hàng, tạo ra một hệ thống tuần hoàn. Cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vì sử dụng vật liệu tái chế, thay vì phải tăng giá sản phẩm. Nếu chúng ta tái chế thì cũng nên mua vật liệu tái chế, nếu không việc tái chế chỉ là lưu trữ chất thải
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 cũng đã đưa ra các quy định có liên quan đến ý tưởng về EPR (Điều 66 và 67) và được kế thừa tại Luật BVMT năm 2014 (Điều 86 và 87). Theo đó, mục tiêu ban đầu là tìm giải pháp để xử lý các sản phẩm thải bỏ, chia sẻ một phần trách nhiệm quản lý chất thải cho nhà sản xuất. Luật BVMT năm 2020 cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến nguyên tắc của EPR nhằm thiết lập các mục tiêu tái chế bắt buộc và đóng góp tài chính đối với các sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54 và 55).
Cuối cùng, mục tiêu của tất cả các giải pháp là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, loại bỏ chất thải và ô nhiễm, đồng thời bắt đầu coi trọng các nguồn tài nguyên của chúng ta.