Tiếp tục đàm phán thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa trong năm sau
Các cuộc đàm phán toàn cầu về một thoả thuận giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đã sụp đổ sau khi hơn 170 quốc gia không thể thống nhất cách giải quyết khối lượng rác thải nhựa ngày càng tăng.
Hơn 3.300 đại biểu - bao gồm các thành viên đại diện cho hơn 170 quốc gia và quan sát viên từ hơn 440 tổ chức - đã họp tại Busan, Hàn Quốc, trong thời gian từ ngày 25/11 đến ngày 1/12 trong phiên họp thứ 5 của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC-5). Trong thời gian này, các đoàn đàm phán đã thảo luận về hai tài liệu do Chủ tịch INC, Đại sứ Luis Vayas Valdivieso, cung cấp liên quan tới thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa.
Tuy nhiên, do các bên vẫn còn nhiều điểm khác biệt và chưa đạt được sự đồng thuận chung về một thoả thuận mang tính toàn cầu đối với vấn đề này. Theo đó, các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025.
Phát biểu trong phiên bế mạc INC-5, bà Inger Anderso, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết: "Quyết tâm của thế giới trong việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được thể hiện rõ ràng. Tại Busan, các cuộc đàm phán đã đưa chúng ta đến gần hơn với một thoả thuận có tính ràng buộc pháp lý toàn cầu sẽ bảo vệ sức khỏe, môi trường và tương lai của chúng ta khỏi sự tấn công của ô nhiễm nhựa".
"Cuộc họp tuần qua đã đạt được tiến triển tốt hướng tới việc đảm bảo thỏa thuận mà thế giới yêu cầu. Thông qua các cuộc đàm phán tại Busan, các nhà đàm phán đã tiến gần hơn tới một sự đồng thuận về cấu trúc và các yếu tố của văn bản hiệp ước, cũng như hiểu rõ hơn về lập trường của các quốc gia và những thách thức chung. Nhưng rõ ràng là vẫn còn sự khác biệt trong các lĩnh vực quan trọng và cần thêm thời gian để giải quyết các sự khác biệt này", bà nói thêm.
Tiếp lời bà Anderson, đại sứ Vayas cho biết: "Đây là nhiệm vụ đầy tham vọng của chúng ta. Nhưng tham vọng cần có thời gian để đạt được. Chúng ta đã có những yếu tố cần thiết và Busan đã giúp chúng ta củng cố con đường thành công của nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục mở đường, xây dựng cầu nối và đối thoại lẫn nhau".
"Chúng ta hãy luôn nhớ rằng mục đích của chúng ta là cao cả và cấp bách: Đảo ngược và khắc phục những tác động nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người", ông nói thêm.
Tại các cuộc thảo luận về thoả nhuận nhựa ở INC-5, hơn 100 quốc gia muốn thoả thuận bao gồm các quy định hạn chế sản xuất cũng như giải quyết vấn đề thu dọn và tái chế, hướng tới giải quyết vấn đề liên quan các hóa chất đáng lo ngại. Nhưng đối với một số quốc gia sản xuất nhựa và dầu khí, vấn đề này được xem là "lằn ranh đỏ" của họ.
Để bất kỳ đề xuất nào được đưa vào hiệp ước, toàn bộ quốc gia tham gia đàm phán đều phải có sự đồng thuận với đề xuất này. Một số quốc gia tìm cách thay đổi quy trình đưa ra quyết định bằng cách bỏ phiếu. Tuy nhiên, một số quốc gia như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Iran, Kuwait cho rằng đồng thuận chung là rất quan trọng đối với một hiệp ước để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả.
Trưởng đoàn đàm phán của Rwanda, Juliet Kabera, đại diện cho cho 85 quốc gia, nhấn mạnh thỏa thuận phải có tham vọng xuyên suốt, phù hợp với mục đích và không thể thất bại, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Bà yêu cầu tất cả những ai ủng hộ tuyên bố này phải "đứng lên hành động".
Trong khi đó, phái đoàn Panama, dẫn đầu nỗ lực đưa các quy định về sản xuất nhựa vào thoả thuận, cho biết họ quyết tâm đưa vấn đề này ra một cách quyết liệt hơn trong lần họp tới.
Đoàn đàm phán của Ả Rập Xê Út thì cho biết vấn đề hóa chất và sản xuất nhựa hiện không nằm trong phạm vi của hiệp ước. Phát biểu thay mặt cho nhóm các quốc gia Ả Rập, phía Ả Rập Xê Út cho biết nếu thế giới có thể giải quyết riêng biệt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa mà không cần cấm sản xuất nhựa. Nhà đàm phán của Kuwait cũng đồng tình với quan điểm đó, nói rằng mục tiêu của thoả thuận là chấm dứt ô nhiễm nhựa, chứ không phải cấm sử dụng nhựa.
Mặc dù INC-5 không đạt được mục tiêu đưa ra một hiệp ước mới cho thế giới, nhưng các đoàn đám phán ghi nhận những tiến triển đã đạt được trong các phiên thảo luận. "Chúng tôi không rời Busan trong sự nản lòng", phái đoàn EU chia sẻ.
Vào tháng 3 năm 2022, tại kỳ họp thứ 5 của Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2), một nghị quyết lịch sử đã được thông qua, mở đường cho nỗ lực xây dựng một văn bản ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, cả trong môi trường biển. Theo nghị quyết, văn bản này sẽ dựa trên một cách tiếp cận toàn diện giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất, thiết kế và xử lý.