Trong khuôn khổ đề tài, các nhà khoa học đã tiến hành 3 đợt khảo sát thực địa nhằm đánh giá chất lượng môi trường, hiện trạng khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, trong đó đã phân tích 180 mẫu thổ nhưỡng; 75 mẫu nông hóa; 155 mẫu vi sinh vật; 155 mẫu kim loại nặng; 54 mẫu nước; 9 mẫu không khí.
Trên cơ sở đó, đề tài đã lựa chọn, thiết kế và xây dựng 3 mô hình thí điểm gồm: Mô hình cải tạo, phục hồi hệ sinh thái (môi trường đất) ở bãi thải, khu vực mỏ sau khai thác quặng bauxite Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng; Mô hình cải tạo, phục hồi hệ sinh thái (môi trường đất) ở bãi thải, khu vực mỏ sau khai thác vật liệu xây dựng huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai; Mô hình thiết lập thảm thực vật trên bùn thải sau tuyển quặng bauxite Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng.
TS. Nguyễn Mạnh Hà, Chủ nhiệm đề tài cho biết, những kết quả bước đầu của đề tài trên cơ sở điều tra đánh giá đối với các loại hình khoáng sản kim loại, khoáng chất và vật liệu xây dựng tại 20 điểm bãi thải và khu khai thác khoáng sản trên Tây Nguyên cho thấy, hầu hết các mỏ đều khai thác không đạt công suất thiết kế đã được phê duyệt; thực trạng khai thác tự do không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, công tác hoàn phục, cải tạo môi trường chưa đồng bộ, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý; các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã và đang tác động đến môi trường sinh thái, tiềm ẩn gây xói mòn đất và trượt lở làm giảm diện tích che phủ. Nghèo kiệt thảm thực vật và khả năng khai thác sử dụng đất.
Các chuyên gia cho rằng, đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, tiếp nối những vấn đề được phát triển từ kết quả trong chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn từ 2011 - 2015 cho thấy trên Tây Nguyên có hơn 265 nền khai thác khoáng sản để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi trường. Do vậy, đề tài đã bám sát mục tiêu xây dựng mô hình cải tạo, phục hồi hệ sinh thái các bãi thải. Ban Chủ nhiệm đề tài đã bám sát thực tiễn Tây Nguyên tập hợp đông đảo lực lượng các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện hàn lâm để thực hiện đề tài. Ban chủ nhiệm chương trình cảm ơn sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý trên Tây Nguyên đã tham dự hội thảo và rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học cấp thiết này.
Đối với loại hình khai thác khoáng sản, sau khai thác không thể hoàn phục, cải tạo lớp phủ thực vật, cần được giải quyết theo hình thức cải tạo xây dựng các công trình công cộng: công viên, khu bảo tàng, nuôi trồng thủy sản,…như một số nước trên thế giới đã thực hiện.
Vấn đề trồng cây, lớp phủ bề mặt phải mất nhiều thời gian mới có thể có kết quả tốt, trong khuôn khổ đề tài cần định hướng và có giải pháp lâu dài trong công tác hoàn phục môi trường bằng các nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện môi trường của địa phương.
Môi trường sinh thái (đất, nước, không khí) luôn bị tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và nhân tạo, việc tính toán, đối sánh trong thời gian dài là cần thiết, từ đó mới đánh giá được mức độ và quy mô tác động của các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Một số chỉ tiêu môi trường như kim loại nặng trong đất, nước cần xác định được nguyên nhân, nguồn phát sinh, mức độ ô nhiễm để có biện pháp giảm thiểu.
Công tác quy hoạch sử dụng đất, cải tạo môi trường phải được sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất và cơ quan quản lý chuyên ngành. Một số loại hình khai thác khoáng sản có quy mô lớn như, sắt auxitexit, đá xây dựng thường chiếm dụng diện tích lớn trong thời gian dài, cần có giải pháp liên hợp giữa đền bù - trồng rừng - quyền sở hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất. Các mô hình thử nghiệm trồng các loại thực vật trên đất bãi thải và hoàn thổ phải đảm bảo khả năng cải tạo đất, giảm thiểu trượt lở. Với 9 loại cây đã được tuyển chọn phù hợp với môi trường và loại đất cần được nhân rộng và có quy trình giám sát, điều chỉnh để có thể cải tạo, hoàn phục môi trường có hiệu quả cao nhất.