Khoáng sản

Bình Định quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Đông Duy 10/12/2024 - 10:30

(TN&MT) - Thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bình Định đã dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa, tỉnh Bình Định đã yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đảm bảo các mỏ đá khai thác đúng theo Giấy phép

Tính từ đầu năm, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản, thống kê kiểm kê trữ lượng khoáng sản được tiếp tục tăng cường trên địa bàn tỉnh Bình Định. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh một số tồn tại của các doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Sở TN&MT đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản để kiểm tra, đối chiếu sản lượng khai thác trong năm. Phối hợp Cục thuế tỉnh Bình Định cung cấp thông tin tình hình thực hiện nghĩa vụ Nhà nước và sản lượng kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

11b.jpg
Thu hồi khoáng sản trong diện tích đầu tư xây dựng công trình tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản chung trên địa bàn tỉnh cũng như tại từng địa phương. Mới đây, liên quan đến hoạt động của các mỏ đá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giao Sở TN&MT cùng các sở, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện các quy định của Giấy phép, nhất là về diện tích, trữ lượng cấp phép, công suất khai thác và mục đích sử dụng khoáng sản.

Với các doanh nghiệp khai thác đá, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu khai thác đúng loại khoáng sản, phạm vi, diện tích được cấp phép. Trường hợp phát hiện loại khoáng sản có giá trị cao hơn phải báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn các thủ tục theo quy định, khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác nhằm tận thu tối đa khoáng sản. Đồng thời, thực hiện việc lắp đặt trạm cân theo dõi tải trọng, camera giám sát (tích hợp công nghệ AI có khả năng đếm và thống kê số lượt xe) được kết nối từ khu vực khai thác đến các cơ quan liên quan (các Sở: TN&MT, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh - Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - PC03; Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện, xã nơi có mỏ) để theo dõi, giám sát theo quy định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chấp hành đầy đủ, kịp thời việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo đúng khối lượng khai thác đã cấp phép như: thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước; nghiêm túc thực hiện việc đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác khoáng sản cho địa phương. Triển khai thực hiện đảm bảo công tác bảo vệ môi trường theo hồ sơ đã được phê duyệt; nghiêm túc thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực đã hoàn thành việc khai thác, lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định...

Nâng cao quản lý việc thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án

Đối với vấn đề thu hồi khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm định dự án (các Sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố,...) khi lấy ý kiến chủ trương đầu tư dự án cần đề nghị làm rõ thông tin điều tra đánh giá, quy hoạch và kế hoạch cấp phép khai thác khoáng sản của Trung ương, của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và hiện trạng thực tế để đề xuất việc khai thác khoáng sản theo quy định, không vì nguyên nhân khai thác khoáng sản để gia hạn dự án đầu tư.

11a.jpg

Trường hợp có phát hiện khoáng sản (đã được điều tra đánh giá, có quy hoạch khoáng sản) thì phải thông báo cho Sở TN&MT xem xét, tổ chức cấp phép khai thác thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư theo điểm a, khoản 1, Điều 65 Luật Khoáng sản. Trường hợp chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT) sự cần thiết khai thác khoáng sản để xem xét, quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh lưu ý, việc khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án không được kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương/quyết định đầu tư dự án hoặc hợp đồng đã ký kết. Sở TN&MT tiếp tục tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quản lý việc thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án, tránh trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng việc thi công, xây dựng công trình để khai thác bất hợp pháp, trục lợi khoáng sản,...

Doanh nghiệp sử dụng khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình phải nghiêm túc lập thủ tục đăng ký khai thác (nếu phục vụ tại chỗ) và thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản (nếu vận chuyển ra ngoài) theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Trường hợp có nhu cầu sử dụng đất, đá dôi dư của các dự án công trình đã tập kết tại bãi đổ thải được xác định trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường thì phải tổ chức đấu giá khối lượng đất, đá thải này theo quy định tài sản công,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO