Xã hội

Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình thích ứng với BĐKH cho người dân vùng đồng bào DTTS

Linh Nga 24/09/2021 12:23

(TN&MT) - Nhận thấy việc thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là vô cùng quan trọng trong điều kiện BĐKH ngày càng gia tăng, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tích cực thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những năm gần đây, do tác động của BĐKH, thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có những biến đổi bất thường, hiện tượng nắng nóng kéo dài trong mùa khô; hiện tượng lượng mưa phân bố không đều theo quy luật, thiên tai bão, lũ thường xuyên xảy ra… ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, đời sống và sinh hoạt của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

anh-1-hoa-mau-chet-do-han-han.jpg
Dưới tác động của BĐKH, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tươi tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, để chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh Bình Thuận đã lập đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, …đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các các tầng lớp nhân dân về những tác động trước mắt cũng như lâu dài của BĐKH. Đồng thời, tỉnh cũng giao cho các ngành chức năng triển khai thực hiện các giải pháp để ứng phó với BĐKH, đặc biệt đối với những nơi chịu ảnh hưởng từ những thay đổi của khí hậu, của thời tiết cực đoan... Do đó, đến nay, hầu hết ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã quen thuộc với khái niệm “Chủ động ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Cụ thể, để giảm thiệt hại do các nguyên nhân của BĐKH gây ra tỉnh đã xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa bằng những hành động để phòng, tránh và thích nghi với BĐKH.Trong đó, phải kể đến mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp”. Mô hình này, đã đưa ra hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giúp cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS ổn định cuộc sống.

Theo đó, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh việc chuyển chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các loại cây trồng hàng năm được chuyển đổi trên đất lúa ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới và đã đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Mặt khác, đối với các vùng diện tích đất gò, đất cao thường xuyên thiếu nước và khó khăn trong điều tiết nước tưới, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu, cây bắp nhằm nâng cao độ phì của đất. Đây là giải pháp quan trọng để tích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất bị hạn chế.

anh-2-chuyen-doi-trong-thanh-long.jpg
Nhiều diện tích từ đất trồng lúa được chuyển sang trồng cây lâu năm mang lại năng xuất kinh tế cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đến nay hầu hết các địa phương đã thực hiện mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp” và đạt hiệu quả cao. Cụ thể, tại các địa bàn tập trung nhiều diện tích đất lúa như: huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình đều đã thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng lúa sang trồng các cây trồng cạn như: Đậu phộng, bắp, dưa hấu, rau các loại…Tính từ năm 2017 đến năm 2020, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang gieo trồng cây hàng năm khoảng hơn 19.700 ha, chủ yếu chuyển đổi vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng đã chuyển đổi hơn 790 ha từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như trồng cây thanh long và cây dừa...

Trong Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Thuận tiếp tục xem việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng BĐKH. Trong đó, phấn đấu chuyển đổi khoảng 5.613 ha diện tích gieo trồng trên đất lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi trên đất sản xuất 03 vụ lúa là 2.196 ha, chuyển đổi trên đất 02 vụ lúa là 1.269 ha, chuyển đổi trên đất 01 vụ lúa là 2.148 ha…

Với những kết quả mà tỉnh Bình Thuận đã đạt được từ mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp” đã chứng minh giải pháp ứng phó với BĐKH ở những nơi chịu tác động nặng nề của khí hậu, của thời tiết cực đoan... đã đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Mô hình không những giúp người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn góp phần rất lớn để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình thích ứng với BĐKH cho người dân vùng đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO