(TN&MT) – Sáng 18/11, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo về công tác ứng phó với cơn bão số 14, dự kiến đi vào địa bàn Bình Thuận vào sáng 19/11.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 14 vào sáng 18/11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km vào khu vực các tỉnhNam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, chiều tối nay tỉnh ta có mưa rào và dông vài nơi; ngoài khơi gió cấp 4 – 5, biển động nhẹ, sóng biển cao từ 1,50 - 2,00 mét. Chiều mai, có mưa rào và dông rải rác, gió mạnh lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công văn hỏa tốc của UBND tỉnh ngày 17/11 chỉ đạo về chủ động phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão.
UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn về công tác phòng chống bão số 14 |
Theo đó, các đơn vị phải có phương án chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão. Thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển, chủ tàu bè biết thông tin về cơn bão số 14; rà soát các vùng trọng điểm, vùng trũng, ven biển để có kế hoạch di dời, sơ tán dân; kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, gia cố lồng bè, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học...
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trong khu vực duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (nhất là quanh khu vực quần đảo Trường Sa), nhằm xử lý kịp thời các tình huống, sự cố, tai nạn có thể xảy ra. Thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh số lượng tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển theo quy định.
Từ 17 giờ ngày 18/11, Bình Thuận cấm tàu thuyền ra khơi |
Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng có liên quan vận động nhân dân chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, bệnh viện… đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào; đồng thời, rà soát phương án,kế hoạch sơ tán dân cư ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường gây nguy hiểm, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án vận hành các hồ chứa nước an toàn, chủ động điều tiết nước nhằm giảm tối đa thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du công trình; bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.
Sở Giao thông vận tải có phương án rà soát để bảo vệ các tuyến đường trọng yếu khi có bão, lũ xảy ra, đảm bảo giao thông được thông suốt. Các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin diễn biến về cơn bão cho nhân dân trong tỉnh biết để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã phát lệnh cấm toàn bộ tàu thuyền không được ra khơi từ 17 giờ ngày 18/11. Đồng thời, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải vào nơi tránh trú bão an toàn và neo đậu chắc chắn; chằng buộc lồng bè thủy sản an toàn.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến 19 giờ ngày 17/11, địa phương này có 2.322 tàu thuyền đang hoạt động trên biển , với 14.325 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 343 chiếc, đánh bắt gần bờ 1.979 chiếc, hoạt động khu vực ven biển Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Linh Nga