Nâng cao nhận thức về tài nguyên nước cho học sinh tại Hà Nội
(TN&MT) - Chiều ngày 10/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Tài nguyên nước tổ chức Hội thảo tổng kết nghiệm thu sáng kiến “Nâng cao hiểu biết về giá trị tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt cho đối tượng học sinh tại Hà Nội”.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Anh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước; bà Nguyễn Minh Hằng, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường TH, THCS & THPT Khương Hạ; ông Dương Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Dewey; đông đảo các em học sinh.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết, sáng kiến “Nâng cao hiểu biết về giá trị tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt cho đối tượng học sinh tại Hà Nội” do Viện Khoa học Tài nguyên nước thực hiện nằm trong khuôn khổ Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) - một trong hai hợp phần của Dự án "Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam" (EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.
Sáng kiến được thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về tài nguyên nước, các quy định sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong sinh hoạt tại Hà Nội. Từ đó hình thành hành vi sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong các học sinh, lan tỏa thông điệp đến nhà trường, gia đình và khu vực các em sinh sống.
Theo TS. Nguyễn Anh Đức, sáng kiến đã lựa chọn thực hiện thí điểm tại 3 trường liên cấp tại Hà Nội (Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ; Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy; Trường Quốc tế Dewey) với các mục tiêu chính như: xây dựng chương trình nâng cao nhận thức trực tuyến trên nền tảng web để cung cấp kiến thức về giá trị tài nguyên nước, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt (e-Pro Water) cho 3 cấp học; sử dụng phần mềm để nâng cao hiểu biết về giá trị tài nguyên nước, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày cho học sinh, giáo viên và gia đình tại Hà Nội; đóng góp ý kiến tham mưu cho cơ quan quản lý về thực trạng sử dụng nước sinh hoạt tại Hà Nội và các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt tiềm năng.
Giới thiệu về kết quả của Dự án, bà Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng phòng điều hành Phòng Kinh tế và Quản lý tài nguyên nước, Giám đốc sáng kiến cho biết, Sáng kiến được triển khai từ tháng 6/2023 đến hết tháng 4/2024.
Cụ thể, các đơn vị có liên quan đã hoàn thiện điều tra khảo sát, thu thập các thông tin cần thiết về hiện trạng nhận thức, hiện trạng sử dụng nước và nhu cầu/sở thích/thói quen của học sinh và giáo viên để đề xuất một chương trình nâng cao nhận thức phù hợp; hoàn thiện xử lý số liệu điều tra khảo sát, đánh giá được hiện trạng nhận thức và hiện trạng sử dụng nước. Đánh giá nhu cầu và đề xuất cách thức xây dựng bộ tài liệu nâng cao nhận thức về tài nguyên nước, trang web và trò chơi tương tác e-Pro Water phù hợp cho đối tượng học sinh và giáo viên.
Đồng thời, hoàn thiện xây dựng bộ 6 tài liệu nâng cao nhận thức dành cho đối tượng giáo viên và học sinh 3 cấp, hoàn thiện xây dựng trang web có tích hợp đầy đủ bộ tài liệu và trò chơi tương tác e- Pro Water.
Cùng với đó, Viện Khoa học Tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan đã tổ chức 1 cuộc họp lấy ý kiến online và 2 hội thảo trực tiếp dành cho giáo viên 3 trường; tổ chức xong 10 workshop giới thiệu và sử dụng trò chơi e-Pro Water cho học sinh 3 cấp tại 3 trường; tổ chức xong 6 workshop kết hợp e-Pro Water và tư duy thiết kế để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị của tài nguyên nước, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày dành cho học sinh cấp THCS và THPT tại 3 trường…
Với mục tiêu ban đầu đề ra, sáng kiến đã tác động đến 1.050 trẻ em, 600 phụ nữ (bao gồm giáo viên nữ và phụ huynh nữ) và 400 giáo viên, phụ huynh nam qua những hoạt động trực tiếp và lan tỏa gián tiếp từ các em học sinh.
“Đến nay, số lượng người được tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp vào dự án đã vượt xa con số 2.050 người. Điều đó góp phần khẳng định tầm quan trọng, sức thu hút và lan tỏa của hoạt động bảo vệ tài nguyên nước nói chung và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước sinh hoạt tại Hà Nội nói riêng” – TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Đánh giá cao hiệu quả và sức lan toả của Dự án, bà Nguyễn Minh Hằng, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một sáng kiến hữu ích, giáo dục về sử dụng hợp lý tài nguyên nước, từ đó tạo nên được nhận thức công dân về tài nguyên nước. Đặc biệt, việc triển khai sáng kiến là một phương thức tổ chức thi hành pháp luật rất hữu ích, giúp cho việc thực thi pháp luật đi vào cuộc sống, đi vào cộng đồng một cách dễ dàng, dễ hiểu, đóng góp quan trọng trong nâng cao nhận thức về các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước, tái sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày góp phần tăng cường hiệu quả của các quy định trong Luật Tài nguyên nước.
Chia sẻ tại Hội thảo, thầy Dương Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Dewey cho rằng, sáng kiến đã giúp đưa bài học trong sách giáo khoa đi vào thực tiễn cuộc sống; giúp học sinh hiểu hơn về tài nguyên nước, có cái nhìn sâu hơn, sinh động hơn về các bài học đã được giảng dạy trên lớp, đồng thời các học sinh được trau dồi kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm,… Các học sinh được tiếp cận với các nhà khoa học, được truyền cảm hứng về nghiên cứu khoa học, tiếp bước cho các em học sinh nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Thầy Dương Hồng Phúc mong rằng, thời gian tới, Sáng kiến sẽ được nhân rộng đến nhiều trường học, học sinh trên toàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.
Cũng tại Hội thảo, Viện Khoa học Tài nguyên nước đã trao quà lưu niệm cho 3 Trường tham gia thực hiện Dự án và chứng nhận cho đại diện các nhóm vào chung kết cuộc thi Đại sứ E-ProWater.