An Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương): Làm giàu từ “gốc” lúa, ruộng rươi

Ghi chép của Ngọc Duy| 29/11/2022 22:52

“Bao giờ cho đến tháng mười, Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”… về An Thanh vào chính vụ rươi, trò chuyện, nghe tiếng cười giòn tan của người nông dân được mùa, cảm xúc hân hoan lạ thường …

Gió đầu mùa se lạnh, lất phất mưa, theo chân anh Chủ tịch Hội Nông dân xã - Nguyễn Văn Khoa, 10h sáng chúng tôi có mặt tại khu vực ruộng rươi thôn An Định. Trước mắt chúng tôi là cảnh tấp nập thương lái chờ thu mua, bà con nông dân hồ hởi những xô, chậu, thùng xốp đón rươi về…

Xã An Thanh đã hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2019. Nhờ chính sách đúng đắn, diện mạo vùng quê nghèo An Thanh nay đã “thay da, đổi thịt”, ngày càng khang trang. Những con đường bê tông nội đồng nối tiếp đã đưa xe tải của thương lái tới sát chân ruộng, cả hàng dài kiên nhẫn chờ đợi, rươi hôm nay lên muộn do trời lạnh.

Một năm có 2 vụ, vụ mùa từ cuối tháng 9 âm lịch kéo dài đến cuối năm, vụ chiêm từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 âm lịch. Vụ chiêm, rươi chỉ có ở ven sông, ít hơn và không ngon bằng rươi vụ mùa. Cũng bởi mùa rươi chỉ có ít ngày, để có thể cạnh tranh, những thương lái có bạn hàng rộng phải tranh thủ tới tận ruộng để lựa chọn được những mẻ rươi tươi ngon nhất, từ đó sơ chế, bảo quản bán quanh năm.

Từ bảo vệ môi trường…

Chủ tịch Hội Nông dân xã - Nguyễn Văn Khoa cho biết, An Thanh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung, hữu cơ, bền vững gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Đảng ủy xã đã xây dựng Đề án “Quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi bền vững giai đoạn 2021 – 2025” nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt khai thác tiềm năng nguồn lợi con đặc sản rươi, cáy.

Anh Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh chia sẻ về trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi con đặc sản rươi, cáy.

Người dân An Thanh bén duyên với nghề nuôi rươi chỉ 10 năm nay. Trước kia, bà con chỉ thu hoạch rươi tự nhiên vào “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, con rươi ngày ấy chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Mấy năm gần đây, nghiệm ra con rươi sống trong đất như giun nên mạnh dạn dùng phân trâu bò, phân gà thậm đổ xuống ruộng. Rươi sinh sản phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với hệ sinh thái nơi đây, anh Khoa chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Khoa phấn khởi giới thiệu với chúng tôi từng hộ nuôi rươi, kể về thành tích sản xuất nông nghiệp cùng quá trình vượt lên khó khăn của bà con nông dân thôn An Định. Khuôn mặt chữ điền, nước da ngăm đen, từng cử chỉ, lời nói anh Khoa toát lên vẻ chất phác, hiền hậu. Dù còn trẻ tuổi, vị chủ tịch Hội Nông dân này cũng đã kịp tích luỹ 10 năm kinh nghiệm nuôi rươi, cáy và lúa hữu cơ trên chính phần ruộng “khẩu” của gia đình. Theo đánh giá của ông Hoàng Tuấn Nhã - Chủ tịch UBND xã An Thanh , trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân, anh Nguyễn Văn Khoa, những năm qua luôn là cầu nối hiệu quả giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tới nông dân, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình vay vốn hỗ trợ bà con nông dân thoát nghèo.

Kể về con cáy, con rươi hay làm nông nghiệp hữu cơ, Khoa say mê một cách kỳ lạ: “Thiên nhiên chẳng phụ con người, đối với con rươi, yếu tố môi trường là rất quan trọng. Nếu trồng lúa bón phân hoá học, phun thuốc trừ sâu, ruộng sẽ mất rươi. Vùng chiêm trũng An Thanh giờ đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ổn định nhờ khai thác tốt tiềm năng của địa phương, nuôi con đặc sản rươi cáy, kết hợp với lúa hữu cơ một vụ. Mỗi vụ, một sào bà con có thể thu hoạch được bình quân 50kg rươi. Đã có gia đình tham lúa, mất rươi, giờ đây không ai bảo ai cũng tự ý thức phải bảo vệ tốt môi trường vì chính miếng cơm của gia đình mình...”

anh-2.jpg
Ông Nguyễn Văn Năm - Một hộ nông dân tại thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ phấn khởi được mùa rươi

…thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Trong lịch sử, An Thanh là nơi có truyền thống trong sản xuất nông nghiệp. Những năm đầu thập niên 1960, xã là một trong những địa phương đi đầu của toàn tỉnh, dẫn đầu phong trào "5 tấn". Người dân An Thanh cần cù chịu khó, tích cực hưởng ứng việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã trên 627 ha. Trong đó, đặc biệt có diện tích bãi ngoài đê sông Thái Bình137 ha màu mỡ, là vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp sản xuất đặc sản rươi, cáy lớn nhất huyện và lớn nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Năm ở thôn An Định cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, nếu thấy gió Đông, trời lác đác mưa, là rươi về nhiều. Trước đây, rươi lên theo con nước tự nhiên. Nay, vào vụ mùa bà con có cách bắt rươi phải lên. Bí quyết chủ yếu là tháo kiệt nước để đó. Khi muốn thu hoạch, chỉ cần cho nước vào, con rươi đủ ngày buộc phải ngoi lên mặt nước. Các chủ đầm, ruộng rươi giờ khai thác theo cách dùng “đọn”. Khi rươi nổi nhiều, tháo nước khỏi ruộng, dùng lưới tơ lụa hay lưới phù du chặn ở cửa cống thoát nước, rươi theo dòng chảy chui vào hết “đọn”, chẳng sót lại con nào.

“Nông dân chúng tôi đã đổi đời nhờ con rươi. Với diện tích ruộng khoảng 1 ha, những năm được mùa - thuận lợi về thời tiết, đất được cải tạo tốt thì thu hoạch lên đến cả tấn rươi, thu nhập từ 300 đến 500 triệu. Rươi trở thành thu nhập chính của ruộng, giá trị của rươi gấp 20-30 lần trồng lúa gạo thông thường” – ông Năm chia sẻ.

Ông Năm kể, với gần một mẫu ruộng, mỗi vụ tổng thu nhập gia đình ông bao gồm rươi - cáy - lúa đạt gần 200 triệu. Con rươi rất nhạy cảm với hoá chất, ô nhiễm môi trường. Chính con rươi đã làm đổi đời những người nông dân quê ông, bởi vậy người nông dân rất sợ sử dụng các chất hóa học vào đồng làm ảnh hưởng đến năng suất. Để có nguồn lợi rươi như hiện nay là thành quả trong nhiều năm bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học để phun lúa, lựa chọn phân hữu cơ, đồng thời quyết liệt đấu tranh ngăn chặn các hành vi gây hại cho môi trường như xả thải, cát tặc. Đã có lúc bà con xếp gạch đá trên bờ đê để sẵn sàng “chiến đấu” ném đuổi cát tặc…

anh-4(1).jpg
Bà con nông dân thôn An Định - Xã An Thanh phấn khởi thu hoạch rươi.

An Thanh có vị trí địa lý đặc biệt, được bao bọc xung quanh bởi 3 dòng sông (sông Thái Bình, sông Dừa, sông Bình Hàn). Được bồi đắp bởi phù sa sông Thái Bình từ ngàn xưa nên đồng đất màu mỡ với nhiều kênh rạch, sông hồ, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, thuận lợi phát triển nông nghiệp.

Ông Hoàng Tuấn Nhã - Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết An Thanh có diện tích tự nhiên hơn 10.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 617ha. An Thanh được huyện Tứ Kỳ chọn và định hướng quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đến thời điểm này, diện tích 137ha ngoài bãi sông Thái Bình đã được chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với mô hình cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác con rươi, con cáy với các giống lúa có giá trị cao như ST25, J02... mang lại giá trị kinh tế ước đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/ha đất sản xuất nông nghiệp.

anh-5.jpg
Lẩu rươi - Món ăn đặc sắc của xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Xuất phát từ hiệu quả của mô hình cấy lúa kết hợp khai thác con rươi con cáy, huyện Tứ Kỳ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác trong đê theo mô hình này sau khi cống Sồi được đầu tư, nâng cấp. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp và các hộ dân thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ khu vực trong đồng 214 ha, bước đầu có kết quả. Kết quả sau 02 mùa vụ, đã có một số hộ chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp khai thác rươi cáy và rươi đã xuất hiện ở những ruộng đã cải tạo trong đồng. Kết quả này cho thấy việc đầu tư thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy khu vực nội đồng bước đầu mang lại hiệu quả tốt, sản lượng rươi đạt 15 đến 20kg rươi/ sào, gần bằng năng suất ngoài bãi. Tổng sản lượng rươi trên địa bàn xã An Thanh ước đạt 100 tấn/năm.

anh-3.jpg
Vùng sản xuất hữu cơ khu vực cống Sồi, thôn An Định

Năm 2019, 3 sản phẩm nông nghiệp Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông của An Thanh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tiếp tục có thêm 02 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Ngày 13 tháng 5 năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 05 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 01 ha. Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn: Lúa 450 tấn/năm, chuối 500 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 10 tấn/năm,.... Giá trị sản xuất ước đạt 500- 700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương): Làm giàu từ “gốc” lúa, ruộng rươi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO