Bạn đọc - Pháp luật

Hà Nội thông tin kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2024

Phạm Thiệu 09/12/2024 - 16:56

(TN&MT) – UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Tại Báo cáo số 454/BC-UBND ngày 02/12/2024, UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2024, thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trong công tác phòng chống tham nhũng; tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy định về phòng chống tham nhũng để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng và các lĩnh vực: Quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng...

UBND TP Hà Nội thông tin, qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng. Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, vi phạm, Công an Thành phố Hà Nội đã thụ lý 173 vụ, 497 bị can (trong đó: kỳ trước chuyển sang 61 vụ 209 bị can; tách án 01 vụ 01 bị can; điều tra bổ sung 18 vụ 124 bị can; phục hồi điều tra 08 vụ 09 bị can; đổi tội danh 07 vụ 13 bị can; án mới khởi tố trong kỳ 78 vụ 141 bị can).

ket-qua-chong-tham-nhung-1.jpg
Hà Nội xử lý 3 trường hợp người đứng đầu tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội

Kết quả giải quyết 102 vụ 370 bị can (trong đó: tạm đình chỉ 06 vụ 02 bị can; đình chỉ 05 vụ 03 bị can; nhập án, giảm 03 vụ 03 bị can; kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát 88 vụ 362 bị can); 66 vụ 90 bị can đang trong quá trình điều tra. Kết quả thu hồi tài sản qua hoạt động điều tra (tính theo các vụ có Kết luận điều tra trong kỳ báo cáo) gồm: Tài sản thiệt hại, chiếm đoạt là hơn 95 tỷ đồng và 2.327 m2 đất; tài sản đã được thu hồi, bồi thường là hơn 70 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội thụ lý 86 vụ 331 bị cáo (trong đó: sơ thẩm 62 vụ 284 bị cáo, phúc thẩm 24 vụ 47 bị cáo); đã giải quyết 77 vụ 291 bị cáo (trong đó: sơ thẩm 56 vụ 256 bị cáo, phúc thẩm 21 vụ 36 bị cáo); đang giải quyết 09 vụ 40 bị cáo (trong đó: sơ thẩm 06 vụ 29 bị cáo, phúc thẩm 03 vụ 11 bị cáo).

Về kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong kỳ báo cáo đã có 3 trường hợp người đứng đầu bị xử lý, các trường hợp này thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.

Về kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hà Nội đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong năm để thực hiện cải cách tiền lương với hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố dành hơn 2.200 tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các sở, ngành; cấp quận, huyện là hơn 1.100 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 3 cơ sở nhà, đất các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc thành phố; cử người tham gia đoàn liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra hiện trạng hơn 30 cơ sở nhà, đất và đã có ý kiến gửi Bộ Tài chính và bộ, ngành Trung ương về phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 14 cơ sở nhà đất của đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính chuyển 04 cơ sở nhà, đất thuộc Cục Thuế Thành phố giao về địa phương để quản lý, xử lý theo quy định. Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính quyết định thanh lý 16.029 m2 nhà, vật kiến trúc, phục vụ công tác phá dỡ, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác xây dựng, cải tạo lại trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp tại các cơ quan, đơn vị.

ket-qua-chong-tham-nhung-2.jpg
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội nhận định công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội nhận định công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Công tác kiểm soát tài sản tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số vướng mắc trong quy định của pháp luật; chưa có sự đồng bộ trong cách thức thực hiện xác minh tài sản tham nhũng của các cơ quan kiểm soát tài sản tham nhũng, chưa có hướng dẫn chỉ đạo chung về cách thức thực hiện dẫn đến không thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn gặp một số vướng mắc, nhất là việc xác định tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng trong vụ án thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thông tin kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO