Xã hội

Tứ Kỳ (Hải Dương): Tỷ phú nông dân nhờ mô hình “3 trong 1”

Kiên Cường 27/06/2024 - 18:45

Về xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, với những ngôi biệt thự “hoành tráng” nhà cao tầng san sát chẳng khác nào khu phố sầm uất. Xã An Thanh hiện có hàng trăm hộ tỷ phú nông dân, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng nhờ mô hình “3 trong 1" lúa – rươi – cáy. Mô hình này khiến huyện Tứ Kỳ nổi danh với thương hiệu rươi – cáy, nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm giàu từ vùng đất chiêm trũng của quê hương.

Được giới thiệu về xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) nơi có đặc sản thương hiệu nổi tiếng rươi – cáy vang danh khắp mọi vùng, miền, chúng tôi được Chủ tịch Hội nông dân xã, Nguyễn Văn Khoa, dẫn về thăm một số hộ nông dân thôn An Định. Trên con đường bê tông, hai bên là ngôi biệt thự “hoành tráng” nhà cao tầng san sát, anh Nguyễn Văn Khoa, nói như khoe: “Xã An Thanh có được sự phát triển, đời sống người dân giàu có là nhờ vào 400 ha lúa được kết hợp mô hình (lúa – rươi – cáy). Mô hình này, 1 ha mỗi năm cho thu lãi gần 1 tỷ đồng, chính vì vậy xã An Thanh có hàng trăm tỷ phú đi lên từ cánh đồng lúa quê hương. Để khai thác rươi, cáy, trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học. Bởi rươi là loài vô cùng nhạy cảm với hóa chất và chỉ có thể sinh trưởng, phát triển tại những vùng tự nhiên.

img_3506.jpg
Vùng lúa - rươi - cáy xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ

Vùng canh tác này được cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường bởi con đê và rặng tre chắn sóng. Cùng với đó, nước của sông Thái Bình thường xuyên lên xuống đã tạo nên vùng đất sạch mầm sâu bệnh. Với những lợi thế tự nhiên hiếm nơi nào có được, xã An Thanh đang định hướng vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm”.

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Soi, thôn An Định với mô hình 2,5 mẫu ruộng trồng lúa, nuôi rươi và cáy ông Soi đã xây được 2 ngôi biệt thự cho con và hàng năm thu lãi 700 – 800 triệu đồng. Trong căn nhà khang trang, ông Soi, kể: Gia đình ông được chia 2,5 mẫu ruộng, sản xuất nông nghiệp một sào ruộng mỗi vụ lúa tốt chỉ được 2 tạ thóc, tằn tiện chỉ đủ ăn chi tiêu cuộc sống. Người dân trong thôn đa số các hộ thuộc diện khó khăn, hết mùa vụ lại phải đi các nơi làm thuê kiếm thêm thu nhập.

Trước đây, các hộ gia đình không thực hiện đồng đều mô hình nuôi rươi, cáy trên cánh đồng nên không có hiệu quả, do phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân không đúng chủng loại… Cuộc sống của các hộ nông dân “chân lấm tay bùn” chỉ thật sự đổi thay khi chính quyền địa phương thực hiện chính sách “dồn điền đỏi thửa” vào năm 2013 để triển khai mô hình (lúa – rươi – cáy). Mô hình này đã làm đổi thay bộ mặt nông thôn, đời sống của hàng trăm hộ dân từ khó khăn, nghèo túng trở thành hộ gia đình tỷ phú. Mô hình thực hiện, các hộ gia đình được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa để khi thu hoạch xong bước vào giai đoạn chuẩn bị mùa rươi, cáy hiệu quả từ việc dùng các loại phân hữu cơ: bột ngô, cám, thóc hầm… không phun các loại thuốc bảo vệ thực vật.

img_3492.jpg
Ông Phạm Văn Soi, thôn An Định, xã An Thanh xây được 2 ngôi biệt thự nhờ mô hình lúa - rươi - cáy

Đến nay, mô hình lúa – rươi – cáy tại xã An Thanh đạt hiệu quả thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng/sào gấp từ 10 – 15 lần so với trồng lúa trước đây – ông Soi, phấn khởi cho biết và dẫn chúng tôi ra ruộng của gia đình vừa thu hoạch xong vụ lúa, đang chuẩn bị vụ rươi – cáy. Theo ông Soi, để đạt được hiệu quả của vụ rươi – cáy thì thường xuyên theo dõi sự phát triển của rươi, nếu các lỗ rươi lên nhiều thì phải đầu tư đủ phân hữu cơ, để rươi phát triển triển hiệu quả và cần theo dõi chặt chẽ nguồn nước ra vào tránh để nguồn nước nhiễm mặn xâm nhập, rươi – cáy bị chết. Với 2,5 mẫu ruộng, nhà ông Soi mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng, gấp nhiều lần so trồng lúa trước đây và đặc biệt các thành viên trong gia đình ông không phải đi làm thuê, mướn mà tập trung làm thêm mùa rươi – cáy.

img_3495.jpg
Ông Soi đang chuẩn bị làm đất cho mùa rươi - cáy

Cũng tại thôn An Định, chúng tôi gặp bà Đỗ Thị Huệ, tuy chỉ có 1 mình nhưng bà cũng thực hiện mô hình 1 mẫu lúa – rươi – cáy. Bà Huệ, cho biết: Trước đây, ruộng nhà tôi trồng chuối tây lai xuất khẩu, nhưng chỉ được vài năm giá chuối không ổn định thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, cả khu cánh đồng của thôn An Định đã chuyển đổi sang mô hình: lúa – rươi – cáy được nhiều năm và cho thu nhập cao, tôi quyết định bỏ cây chuối chuyển sang trồng lúa để nuôi rươi – cáy. Mặc dù biết việc làm này là hết sức khó khăn do gia đình chỉ có 1 mình, các con đều đi làm ăn ở xa và phải cải tạo đất vườn trồng chuối cao hơn so với ruộng nước. Đến năm 2017, bà Huệ bắt tay thực hiện mô hình ruộng lúa – rươi – cáy và từ đó đến nay nhờ cần cù, chăm chỉ mỗi năm ruộng nhà bà đều cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.

img_3509(1).jpg
Sản phẩm rươi Tứ Kỳ được mọi người ưa chuộng

Được biết năm 2018, mô hình canh tác lúa - rươi đã đăng ký tham gia giải thưởng Vietfarm - Tự hào nông sản Việt do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (một tổ chức phi Chính phủ) tổ chức với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Ireland và đạt giải Nhất toàn quốc, được các chuyên gia Quốc tế đánh giá cao ở các yếu tố canh tác sinh thái bền vững và phát triển đặc sản địa phương. Giải thưởng này đã góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu các sản phẩm của vùng. Năm 2019, 3 sản phẩm nông nghiệp gạo bãi rươi và Rươi cấp đông, Cáy cấp đông của huyện Tứ Kỳ, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tiếp tục có thêm 2 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

img_3511.jpg
Huyện Tứ Kỳ quảng bá để xúc tiến du lịch sinh thái với mô hình rươi - lúa - cáy

Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững của người dân xã An Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tứ Kỳ (Hải Dương): Tỷ phú nông dân nhờ mô hình “3 trong 1”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO