Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, trong đó phần lớn các ca tử vong là ở châu Á và châu Phi.
Theo báo cáo vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, có tới 90% dân số trên Trái đất đang phải hít thở không khí ô nhiễm hằng ngày.
Đánh giá dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 4.300 thành phố và 108 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2015 cho thấy, không khí chứa nhiều chất gây ô nhiễm phần lớn được hình thành bởi tắc đường, các khu công nghiệp và nông nghiệp.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là hơn 40% dân số toàn cầu vẫn chưa tiếp cận được các nhiên liệu và công nghệ nấu ăn sạch trong nhà của họ. Tại nhiều nước, người dân vẫn phải nấu ăn, sưởi ấm hoặc thắp sáng nhà mình bằng dầu hỏa hay gỗ thay vì những loại nhiên liệu sạch hơn như gas hay điện.
Theo báo cáo, khoảng 1/4 số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi có thể có nguyên nhân do ô nhiễm không khí. Con số này là không đổi trong những năm qua, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường bên ngoài vẫn ở mức cao và phần lớn không đổi, còn ô nhiễm môi trường bên trong trở nên tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Ủy ban Y tế công cộng, Môi trường và Ảnh hưởng của yếu tố xã hội tới sức khỏe, cho hay một tín hiệu khả quan là nhiều thành phố đang quan tâm và giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu kịp thời và đầy đủ sẽ giúp ích cho chính quyền kịp thời làm sạch không khí.
Các chuyên gia gợi ý nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí tại địa phương, như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe. Ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên cao. Lắp thiết bị lọc khí trong nhà cũng giúp giảm ô nhiễm.
WHO đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường và sức khỏe vào cuối tháng 10 tới để thúc đẩy sự thay đổi trong cách hành động ở cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.