Có thể công khai danh tính người gây ô nhiễm không khí
(TN&MT) - Đó là một trong các đề xuất của PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, bà An nói: Tuỳ mức độ vi phạm mà công khai minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông và không có ngoại lệ với bất cứ ai, kể cả người dân lẫn doanh nghiệp.
PV: Thưa bà, các vấn đề như gia tăng bụi mịn, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều ngày ở ngưỡng nguy hiểm khiến người dân lo lắng về chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô. Bà đánh giá như thế nào về tình hình ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay?
PGS. TS Bùi Thị An: Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố và ở mức báo động. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn, xuất hiện trên toàn thành phố, trong đó khu vực nội thành ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.
Thực tế, liên tục trong 4-5 tháng qua, từ đầu tháng 11/2023 đến nay, thủ đô Hà Nội thường xuyên “chìm” trong sương và khói bụi. Liên tiếp nhiều ngày, các hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, của Sở TN&MT Hà Nội đều cho kết quả đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200, mức rất xấu. Tại một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng 300, ngưỡng nguy hại.
Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí như trồng nhiều cây xanh, kiểm kê khí thải xe máy, ngừng sử dụng bếp than tổ ong, xử lý hành vi đốt rơm rạ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn xảy ra.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn, gây nguy hại đến sức khỏe con người. Các hạt bụi mịn thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp và tim mạch, tuy không thể khẳng định nguyên nhân do ô nhiễm không khí nhưng một phần do ô nhiễm không khí.
PV: Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiệt chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên, không khí vẫn ô nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa bà?
PGS. TS Bùi Thị An: Hà Nội là thành phố có tốc độ đô thị hoá cao. Sức hấp dẫn của các cơ hội và tiện ích ở thủ đô đã thu hút lượng lớn cư dân nông thôn và các đô thị nhỏ di cư đến sinh sống và làm việc trong các khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ khiến cho mật độ dân cư ở Hà Nội tăng lên. Gia tăng dân số dẫn đến sự cần thiết gia tăng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như nhà ở, xe cộ, việc làm.
Quá trình đô thị hoá ở Hà Nội đang diễn ra mạnh với các hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo nhà ở; mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông. Các hoạt động xây dựng này thường xuyên phát tán bụi vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số cũng làm gia tăng số lượng phương tiện giao thông. Khí thải từ phương tiện giao thông được coi là nguồn chính gây ô nhiễm không khi ở thủ đô. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,7 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên phát thải lượng khí khí độc hại cao.
Để giảm ô nhiễm từ khí thải giao thông, Hà Nội đã có xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và mới đây nhất là xe đạp đô thị đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đi xe buýt có thể bất tiện bởi phải đi đúng giờ và khoảng cách từ bến tới các điểm cần tới xa nhau. Trong khi đó, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là phương tiện mưu sinh của nhiều người. Nhìn chung, các phương tiện thay thế đã có nhưng chưa đủ và chưa thật tiện lợi nên người dân chưa lựa chọn nhiều. Do đó, giải quyết hài hoà giữa lợi ích của cộng đồng với các phương tiện giao thông là vấn đề lớn hiện nay.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, làng nghề. Hoạt động sản xuất và chế biến này phát sinh lượng lớn khói bụi và khí thải độc hại. Trong đó, hoạt động gây ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa).
PV: Thời gian tới, Hà Nội cần triển khai các biện pháp và có lộ trình như thế nào để cải thiện chất lượng không khí, thưa bà?
PGS. TS Bùi Thị An: Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, cần có những chính sách bảo vệ môi trường mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi tích cực trong tư duy và hành động của cộng đồng.
Việc đầu tiên mà tôi thấy tất cả mọi người cùng làm được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đó là trồng cây xanh, hạn chế phá rừng. Tại các khu đô thị lớn, việc trồng nhiều cây xanh tại công viên và vỉa hè sẽ giúp giảm những tác động của khí thải và khói bụi, tăng sự trong lành trong không khí. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực trồng nhiều cây xanh và đề ra mục tiêu năm 2024 sẽ trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị, nâng tỷ lệ cây xanh 8-10 m2/người vào năm 2025.
Hiện nay, người dân đang dần bắt đầu có ý thức về ô nhiễm môi trường do điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống. Tuy nhiên, nhận thức của người dân chưa đồng đều ở khu vực thành thị và nông thôn, do đó, chính quyền nên đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để họ hiểu trách nhiệm của mình. Tuyên truyền cải thiện thói quen sinh hoạt của người dân như thực hiện xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác bừa bãi, thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang các thiết bị điện.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục cần phải có chế tài xử phạt,nếu ai gây ô nhiễm môi trường phải có hình thức xử phạt nghiêm. Tuỳ mức độ vi phạm mà công khai minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông và không có ngoại lệ với bất cứ ai kể cả người dân lẫn doanh nghiệp. Ví dụ, người dân vi phạm có thể công bố trên xã, phường; doanh nghiệp vi phạm thì công bố toàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, cũng cần có hình thức khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Hà Nội có các quận, huyện khác nhau, các nguồn gây ô nhiễm khác nhau nên quản lý cần phân loại nguồn ô nhiễm, thống kê các nguồn thải, nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Để giải bài toán giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. Để làm những điều trên chúng ta cần phải có đủ điều kiện về vật chất để thực hiện. Đơn cử như giao thông công cộng không chỉ đơn gian là tăng số lượng các chuyến xe buýt mà phải kèm theo xây dựng các bến xe thuận tiện cho người dân đi lại, theo các đường xương cá. Đồng thời, các chuyến xe buýt phải đảm bảo đúng giờ, có giờ cụ thể trung chuyển tại các tuyến. Bên cạnh đó, cần có những mảnh đất rộng cho người dân gửi xe, nếu đất chật thì sẽ hạn chế các phương tiện đỗ xe gây nên những rắc rối, không thuận tiện cho người dân.
PV: Xin trân trọng cảm bà!