Môi trường

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân

Hoàng Ngân 01/04/2024 16:42

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

197606532665893bd074.jpg
Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí

Thực trạng ô nhiễm không khí

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Không khí bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi (TSP, PM10, PM2.5), nhất là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, một số khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản và tại một số làng nghề.

Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là người dân sống tại các đô thị lớn trên cả nước.

Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Việt Nam trong năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/9 quốc gia và xếp thứ 36/117 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Thống kê của IQAir cũng chỉ ra, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Riêng phương tiện giao thông, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,7 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô. Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 8,9 triệu phương tiện, trong đó có hơn 913 nghìn ôtô, hơn 8 triệu môtô.

Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên phát thải lượng khí khí độc hại cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gần đây ngày càng gia tăng.

Thực tế từ tháng 11/2023 đến nay, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường xuyên diễn ra tình trạng ô nhiễm không khí với chỉ số đo chất lượng không khí (AQI) trên 200 – mức rất xấu. Một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng 300 - nguy hại. Có nhiều thời điểm, ứng dụng IQAir liên tục xếp Hà Nội trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Có thời điểm ứng dụng này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Nhiều bệnh sinh ra do ô nhiễm không khí

9877-1665197174-tac-hai-cua-onkk.jpg
Tác hại của ô nhiễm không khí đến hệ hô hấp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính có khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết: Những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí chủ yếu ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người, gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng. Những người có sẵn bệnh lý về hô hấp cũng dễ gặp các triệu chứng nặng. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Ngoài các bệnh về hô hấp, các bệnh về da cũng tăng cao tại thời điểm này. Trong đó, bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân chính gây viêm da, mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy.

Đối với người dân Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Từ đó, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, người già yếu nên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn, như hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Đồng thời, cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO