Trong đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn của một số khu vực cụ thể là miền núi phía Bắc (31,6%), Bắc Trung bộ (56,7%), Duyên hải Nam Trung bộ (51,4%), Tây Nguyên (40,9%), Đồng bằng Sông Cửu Long (51,2%).
Bình quân tiêu chí/xã: 14,87/19 tiêu chí, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (15,66 tiêu chí). Trong đó, tỷ lệ đạt chuẩn của một số khu vực là: Miền núi phía Bắc (12,72 tiêu chí), Bắc Trung bộ (16,12 tiêu chí), Duyên hải Nam Trung bộ (15,54 tiêu chí), Tây Nguyên (14,1 tiêu chí), Đồng bằng sông Cửu Long (15,88 tiêu chí).
Có 69 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đat chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, trong đó, một số tỉnh vùng miền núi khó khăn cũng đã có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 như: Huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), huyện Tây Trà (tỉnh Phú Yên)…
Kết quả trên có được một phần quan trọng là nhờ vào nguồn lực huy động rất lớn thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2019. Theo đó, trong giai đoạn trên, toàn khu vực đã huy động được khoảng 988.846 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình (cả nước 1.268.823 tỷ đồng), chiếm 77,93% tổng vốn huy động của cả nước. Trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 70.599 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 7,14%), chủ yếu là hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng và ngày công lao động...
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm. Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã đạt chuẩn tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.