Xã hội

Những nét độc đáo trong văn hoá của dân tộc thiểu số ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trường Cán bộ Quản lý GTVT 21/11/2024 10:31

(TN&aMT) - Theo cuốn Dân tộc học đại cương tập II của Lê Ngọc Thắng (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội,1997), văn hóa các dân tộc thiểu số là toàn bộ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do các cộng đồng tộc người thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn và phát triển, gắn với môi trường tự nhiên và xã hội; nó phản ánh những đặc điểm trong tư duy và lao động sáng tạo của các tộc người trong các giai đoạn phát triển với các thông tin về nội hàm và ngoại diên phản ánh sự vận động nội tại và trong mối quan hệ văn hóa ở cấp độ tộc người và quốc gia.

Theo cuốn Dân tộc học đại cương tập II của Lê Ngọc Thắng (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội,1997), văn hóa các dân tộc thiểu số là toàn bộ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do các cộng đồng tộc người thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn và phát triển, gắn với môi trường tự nhiên và xã hội; nó phản ánh những đặc điểm trong tư duy và lao động sáng tạo của các tộc người trong các giai đoạn phát triển với các thông tin về nội hàm và ngoại diên phản ánh sự vận động nội tại và trong mối quan hệ văn hóa ở cấp độ tộc người và quốc gia.

- Văn hoá các dân tộc thiểu số nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng

Tính thống nhất được hiểu là sự hợp thành một khối thống nhất, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung, phù hợp, nhất trí và không mâu thuẫn với nhau. Quá trình lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và phát triển nền nông nghiệp trồng trọt, mở mang bờ cõi đã tạo nên tính thống nhất của cộng đồng nhiều thành phần tộc người trong văn hóa Việt Nam. Đó là ý thức về một quốc gia, là sử dụng một ngôn ngữ chung - tiếng Việt làm công cụ giao tiếp, truyền đạt các văn bản pháp lý trong quản lý nhà nước... của nhiều thành phần dân tộc. Tính thống nhất được biểu hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến thắng giặc ngoại xâm trong các giai đoạn lịch sử, thể hiện tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, ý thức gắn kết cộng đồng…

Tính thống nhất còn biểu hiện ở lối sống và ứng xử trọng nghĩa, trọng tình, đặc biệt là tính cố kết cộng đồng của các cư dân thuộc nền văn hóa nông nghiệp trồng trọt, biểu hiện cao nhất của tính thống nhất đó là tinh thần yêu nước của các dân tộc ở Việt Nam, được khẳng định trong quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta... Từ văn hóa Đông Sơn, văn minh sông Hồng sang văn hóa Đại Việt đến văn hóa các dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là hệ quả của một tiến trình lịch sử hình thành và định hình bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc - quốc gia Việt Nam. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp tạo nên tính thống nhất của văn hóa Việt Nam.

Tính đa dạng trước hết biểu hiện ở sắc thái văn hóa vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo nên bởi các nhóm cư dân, các thành phần tộc người trên vùng lãnh thổ. Về cơ bản, có các vùng văn hóa như sau: Vùng văn hóa Tây Bắc, Vùng văn hóa Đông Bắc, Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, Vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, Vùng văn hóa duyên hải miền Trung, Vùng văn hóa Nam Bộ... Một cách phân loại văn hóa vùng khác, thể hiện tính đa dạng của văn hóa các tộc người ở nước ta như: văn hóa vùng đồng bằng châu thổ, văn hóa vùng thung lũng, văn hóa vùng chân núi, văn hóa vùng cao nguyên, văn hóa rẻo cao... Đây là cách phân loại gắn với các hệ sinh thái nông nghiệp hay hệ sinh thái nhân văn. Trong mỗi vùng văn hóa, các tộc người có những thích ứng và sáng tạo văn hóa khác nhau về nhà cửa, trang phục, lễ hội, hôn nhân, tang ma.…Theo nhóm ngôn ngữ thì tính đa dạng lại thể hiện ở những góc độ riêng mang tính lịch sử và giao thoa văn hoá, tạo nên một cá tính riêng trong bức tranh văn hoá chung của quốc gia. Văn hoá của mỗi nhóm ngôn ngữ (Việt - Mường, Tày -Thái, Môn - Khmer, Nam Đảo, Hán-Tạng), đều có những nét rất riêng về các giá trị văn hoá vật thể (trang phục, nhà cửa, ẩm thực...), về văn hoá phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội...).

Vẻ đẹp duyên dáng của các cô gái Tày trong điệu hát Then ở Hà Giang

Tính đa dạng còn biểu hiện ở sắc thái văn hóa của mỗi tộc người trong chính từng vùng văn hóa. Ở vùng thung lũng, văn hóa của người Mường khác văn hóa của người Thái; ở vùng cao nguyên, văn hóa của người Ê đê khác văn hóa người Gia-rai,... Mỗi dân tộc đều có những sắc thái văn hoá đa dạng và phong phú. Tính đa dạng còn biểu hiện ngay trong từng tộc người, nhất là ở những tộc người có nhiều nhóm địa phương. Cùng là người Xơ đăng nhưng văn hóa của nhóm Ca dong không hoàn toàn giống với nhóm Ha lăng, Xơ teng, Mnâm; cùng là người Mông nhưng văn hóa của nhóm Mông Xanh không hoàn toàn giống với nhóm Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen... Có thể coi sự thống nhất và đa dạng của văn hóa là quy luật phát triển của văn hóa, nhất là ở các quốc gia đa dân tộc thì sự đa dạng có mối quan hệ chặt chẽ với sự thống nhất, tạo nên đặc điểm nổi bật của nền văn hóa Việt Nam.

- Văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta được hình thành và phát triển từ nền văn hóa dân gian

Các kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, folklore, nhân chủng học, địa chất học, địa danh học... đã cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể về một quốc gia Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, một cái nôi của nhân loại về mặt sinh học và trồng trọt. Không nhiều quốc gia trên thế giới có các nền văn hóa khảo cổ học phát triển liên tục từ đồ đá-đồng-sắt. Các nền văn hóa của các khối cộng đồng người từ quốc gia Văn Lang, Âu Lạc đến quốc gia Đại Việt... và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay cho thấy sự phát triển liền mạch về chính trị - xã hội và văn hóa mang đặc điểm riêng của một quốc gia châu Á khác các nước phương Tây trong thời kỳ hình thành chủ nghĩa tư bản. Đó là một quốc gia sớm ra đời do nhu cầu trị thuỷ với nền văn minh lúa nước và tinh thần chống ngoại xâm.

Chủ nhân của các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đặc biệt là Đông Sơn; của nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sa Huỳnh, Óc Eo, Phù Nam, Chân Lạp... là tổ tiên của cộng đồng 54 dân tộc ở nước ta. Trong các làng xã, mường bản, phum sóc, plây... của các dân tộc nước ta qua nhiều thế kỷ đã tồn tại các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân nông nghiệp trồng trọt, của một thiết chế xã hội công xã nông thônvới một hệ thống các triết lý và quan niệm cùng nhiều hình thức sinh hoạt gắn với chu kỳ đời người, chu kỳ trồng trọt, chu kỳ thời tiết... Đó là những giá trị văn hóa dân gian.

Văn hóa dân gian của các dân tộc ở nước ta là mạch nguồn chảy suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc và quốc gia, từ thời đại Hùng Vương, qua các triều đại quốc gia phong kiến độc lập đến thời đại Hồ Chí Minh. Các giá trị văn hóa dân gian là “nguyên liệu” chính cùng với những giá trị văn hóa bác học đã tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc và của quốc gia.

- Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta là sự phản ánh quá trình tiếp xúc và thích ứng văn hoá trong lịch sử và hiện tại; trong phạm vi quốc gia và quốc tế

Các dân tộc ở nước ta có một quá trình lịch sử lâu dài, cùng chung sống, sáng tạo và tụ hội nhiều giá trị văn hoá với những bản sắc mang tính tộc người, tính văn hoá vùng, tính văn hoá của nhóm ngôn ngữ... Đó là diễn trình văn hoá được thể hiện, vận động và định hình trong một thời gian dài của văn hoá tộc người với nhiều thăng trầm để định hình một diện mạo văn hoá Việt Nam với sắc thái văn hoá đa dạng của 54 tộc người, trong tính thống nhất của văn hoá quốc gia. Đó là quá trình giao thoa và tiếp biến văn hoá, phản ánh những quá trình lịch sử với những thông số chung mang tính khu vực, tộc người; phản ánh sức sống mãnh liệt với những yếu tố nội sinh được thử thách, tôi luyện... và không bị đồng hoá trước nhiều âm mưu của các thế lực xâm lược ngoại bang.

Quá trình đó đồng thời cũng là quá trình diễn ra sự tiếp xúc và giao thoa văn hoá giữa các dân tộc trong một khu vực lịch sử - dân tộc học như Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn - Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ... Các dân tộc anh em cùng chung sống trong một môi trường, khu vực thiên nhiên với hình thái cư trú láng giềng và các đặc điểm lịch sử khác đã có sự tiếp xúc, ảnh hưởng qua lại về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong một tiến trình lịch sử lâu dài. Đó là mối quan hệ văn hoá sâu sắc, nhiều chiều giữa văn hoá Kinh với văn hoá Tày - Thái, Nam Đảo, Môn - Khmer...; là mối quan hệ giữa văn hoá Thái với văn hoá các cư dân Môn - Khmer ở Tây Bắc và Bắc Trung bộ; giữa văn hoá Chăm với văn hoá một số tộc người ngữ hệ Nam Đảo và Môn - Khmer ở Trường Sơn - Tây Nguyên...

Mặt khác, nhiều dân tộc thiểu số còn có đồng tộc ở các nước láng giềng. Mối quan hệ văn hoá giữa các dân tộc Mông, Dao, Thái, Khmer... sinh sống ở Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc... đã cho thấy mối quan hệ lịch sử - văn hoá lâu đời của các dân tộc thiểu số nước ta trong phạm vi quốc gia và quốc tế trên nhiều phương diện.

- Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, kế thừa và phát huy trong thực tiễn đời sống

Các cấp, các ngành đã triển khai hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng nhiều hình thức. Tính đến hết năm 2019, trên cả nước (63 tỉnh/thành phố) đã có 3.451 di tích quốc gia đã được xếp hạng, trong đó có 112 di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm 69 di tích liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số ở 39/63 tỉnh/ thành phố. Một số di tích trở thành điểm tham quan du lịch quan trọng như: Khu di tích Mỹ Sơn, khu di tích Cát Tiên... Việc tu bổ, tôn tạo và phát huy hợp lý làm cho nhiều di tích trở thành sản phẩm văn hoá đặc thù, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu tại các di tích và tạo ra nhiều việc làm cho cư dân địa phương. Đến nay, cả 63 tỉnh/thành phố đã thống kê được hơn 60.000 di sản văn hóa phi vật thể thuộc những loại hình khác nhau.Trên cơ sở đó, lựa chọn các di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện các dự án khai thác phát triển du lịch theo hướng bền vững. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa bằng những hoạt động thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực. Trong số 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, có 03 di sản của các dân tộc thiểu số (Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Then Tày, Nùng). Đã có 24/66 cá nhân được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 535/1121 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” là người dân tộc thiểu số thuộc 37/63 tỉnh, thành phố.

Ngắm nhìn chị em dân tộc Dao đi chơi Hội đua mảng gặp nhau tỏ tình bên dòng sông Gâm

Ở khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình,... đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 16/26 dân tộc trên địa bàn tỉnh với 425 di sản phi vật thể; tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được 178 hiện vật dân tộc học; các tỉnh hàng năm đều tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ở khu vực phía nam và Tây Nguyên đã sưu tầm và chỉnh lý khối lượng sử thi đồ sộ. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện được một số khối lượng sử thi lớn nhất nước ta, bao gồm 300 danh mục sử thi của dân tộc Mnông, Ê Đê, đã sưu tầm được 70 sử thi, dịch thành văn bản (song ngữ Việt-Ê Đê và Mnông-Việt), 40 sử thi (trong đó có 7 sử thi Ê Đê, 33 sử thi Mnông)

Nhiều giá trị, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hóa Quốc gia và của nhân loại. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn tạo; một số phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ ngày càng trưởng thành.

- Các hoạt động văn hóa dân tộc có quy mô lớn (ngày hội văn hóa và thể thao các dân tộc, liên hoan cồng chiêng, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm trang phục các dân tộc...) được tổ chức hàng năm

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Chăm, dân tộc Khmer… được tổ chức hằng năm đã tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, đồng thời làm cho nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Nhiều địa phương đã phục dựng các lễ hội, các nghề thủ công truyền thống và ẩm thực dân tộc lồng ghép với các hoạt động du lịch, đã góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương và quảng bá rộng rãi văn hóa các dân tộc thiểu số ở trong nước và quốc tế.

ThS Nguyễn Thị Thu Trang

Trường Cán bộ Quản lý Giao thông Vận tải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nét độc đáo trong văn hoá của dân tộc thiểu số ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO