Xuân trong trẻo

23/01/2017 00:00

(TN&MT) - Xuân đang về khắp nẻo. Cây đâm chồi nẩy lộc, hoa nở rộ nơi cánh đồng và bên những hiên nhà, để tạo nên một mùa Xuân tràn đầy sức sống mới. Hãy bảo vệ môi trường sống của chúng ta để Trái đất mãi là mùa Xuân.

1. Ngày tháng vụt trôi, dường như bốn mùa đang thay đổi. Chỉ trước Tết ít ngày, một nhóm các nhà khoa học tại Anh đã công bố nghiên cứu cho thấy ô nhiễm ánh sáng đô thị là nguyên nhân làm cho cây đâm chồi sớm hơn bình thường và mùa Xuân đến sớm hơn. Nghiên cứu hiện được công bố trên Tạp chí Proceedings của Royal Society B. Các nghiên cứu mới cũng ghi nhận thời gian chuyển dịch lên đến 7,5 ngày và hiện tượng đâm chồi sớm cũng có những tác động lên động vật và thực vật. Ô nhiễm ánh sáng - một trong những căn bệnh của đô thị hiện đại đang từng ngày bào mòn sức khỏe của người dân một cách vô hình.

Tốc độ đô thị hóa tăng lên tiếp tục gây áp lực lên thế giới tự nhiên theo cách mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Khi các mùa trở nên ngắn lại và ít có thể dự báo được, động vật hoang dã phải đấu tranh để theo kịp những biến động ảnh hưởng đến môi trường sống và nguồn thức ăn. Các loài sinh vật vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Khi vấn đề ô nhiễm ánh sáng xảy ra sẽ làm cho thói quen sinh hoạt của chúng bị rối loạn. Trước hết, ánh sáng trong đêm làm giảm khả năng nhìn đường của các loài côn trùng hoạt động về đêm. Những bóng đèn chiếu sáng trong đêm có sức thu hút mạnh đối với các loài côn trùng. Khi chúng bay xung quanh, va đập vào bóng đèn nên có thể chết hoặc dễ dàng làm mồi cho các loài sinh vật ăn thịt khác. Cũng vì thế, các loài hoa nở về đêm và phải nhờ các loài côn trùng trên thụ phấn, cũng bị ảnh hưởng.

2. Con người đã tác động mạnh mẽ đến bà mẹ thiên nhiên khiến nhiều quy luật thay đổi, tính khí người mẹ thiên nhiên cũng trở nên thất thường, hung hãn. Có những năm Xuân về ấm nóng kéo dài làm mạ già, có năm Xuân rét mướt làm mạ chết… Mùa xuân năm Ất Dậu, người dân bàng hoàng trước cảnh thiên tai chưa từng có do động đất gây nên. Sóng thần đã tàn phá vùng ven biển một số nước Nam Á và Đông Nam Á làm cho gần 300 nghìn người thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích, những khu du lịch nổi tiếng phút chốc trở thành đổ nát hoang tàn.

Không chỉ có sóng thần, con người cũng đang tàn phá chính “ngôi nhà” của mình. Những cánh rừng già đang ngày một trở nên hiếm hoi; những rạn san hô cũng từng ngày biến mất khỏi lòng biển khơi. Một rừng san hô được hình thành phải mất hàng chục năm; san hô như ngôi nhà chung của các loài hải sản, là tiền đồn bảo vệ cho ven bờ bằng cách hạn chế sức mạnh của sóng biển. Nhưng giờ đây, những cánh rừng san hô đang dần biến mất, trở thành đồ lưu niệm, làm vật liệu xây dựng…

3. Trước đây, thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều đặc ân, một tầng ôzôn với bầu không khí trong lành, những mảnh đất màu mỡ man mác phù sa, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngắt ngào ngạt hương hoa, những đại dương mênh mông dạt dào sóng vỗ, những nguồn nước ngầm vô hạn, những mỏ than, mỏ sắt, mỏ vàng, cùng với đó là nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hệ sinh thái đa dạng… Nhưng con người đã chà đạp lên những đặc ân đó.

Hàng ngày, con người thải hàng trăm tấn rác thải ra môi trường chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là các vật dụng khó bị phân hủy như túi nilon, hộp nhựa… Các chất độc hóa học, sinh học bị lạm dụng... Khói, bụi từ các nhà máy, khu công nghiệp, từ các phương tiện giao thông bốc lên bầu trời. Nước bẩn chứa hóa chất độc hại từ một số nhà máy thải trực tiếp ra sông ra suối, ra biển đã giết chết hàng loạt thủy hải sản ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của con người. Xăng, dầu rò rỉ và loang rộng trên biển cả. Khoáng sản tài nguyên bị khai thác bừa bãi. Nạn đốt rừng làm nương làm rẫy ở nhiều nơi đã trở thành thói quen. Lâm tặc hoành hành đốn cây lấy gỗ. Việc sử dụng các phương tiện hủy diệt hàng loạt trong khai thác khoáng sản và đánh bắt động vật diễn ra. Nạn khai thác kinh doanh các loại động vật quý hiếm vẫn còn phổ biến khiến một số loài đang có nguy cơ bị diệt vong…

Thiên nhiên bao dung con người, nhưng nay, đã đến lúc sự chịu đựng đó đi quá giới hạn. Trước kia, tuy người ta chưa nhận thức được việc cần thiết phải vảo vệ môi trường thiên nhiên nhưng dân số quá nhỏ, sức khai thác và tàn phá của con người không lớn, môi trường thiên nhiên còn có thể tái tạo, làm sạch. Nhưng nay, con người đang khai phá vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường thiên nhiên.

4. Những mùa Xuân đẹp hơn sẽ đến nếu chúng ta biết phát triển và bảo vệ tiềm năng sẵn có. Còn đó một Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Một Việt Nam có lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, trong đó, có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều đầm phá và tài nguyên sinh vật thủy sinh đa dạng cần được bảo vệ. Một Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40 - 150oC…

Hãy đánh thức các tiềm năng, để Việt Nam trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn và tin cậy. Hãy dừng ngay việc hủy hoại môi trường, đối xử công bằng với thiên nhiên hơn để đón một mùa Xuân thực sự trong không khí trong lành và bền vững.

Mai Dung

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân trong trẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO