Việt Nam tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều

18/12/2018 15:29

(TN&MT) – Tại ngày làm việc thứ 02 của Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu SDG số 1 về Xóa bỏ đói nghèo và các khuyến nghị, giải pháp.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu

Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, trong hơn hai thập kỷ qua, với sự nỗ lực liên tục, không ngừng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017), cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện về cả sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội; thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Việt Nam đã có bước tiến trong việc nghiên cứu, sử dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều, dựa trên các quyền của con người (cụ thể là một số quyền về an sinh xã hội), đảm bảo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 2030 SDG1: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều. Với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% cuối năm 2017; trong đó tỷ lệ hộ nghèo thu nhập cũng giảm từ 7,47% xuống còn 5,81%, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều giảm từ 2,41% xuống còn 0,87%).

Tuy đã đạt được những thành tích ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội thời gian qua, nhưng Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG1 đến năm 2030, đó là: Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các huyện khó khăn, nhưng mức đầu tư còn thấp
Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các huyện khó khăn, nhưng mức đầu tư còn thấp

Chất lượng việc làm chưa đảm bảo, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm; chất lượng phổ cập giáo dục còn chênh lệch, đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và vùng đặc biệt khó khăn. Một số mục tiêu của Nghị quyết 15-NQ/TW khó có khả năng đạt được vào năm 2020 như: tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở mức hỗ trợ còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo…

Tuy Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; chính sách giảm nghèo chủ yếu mang tính hỗ trợ để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...), trong khi chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo còn ít, suất đầu tư thấp. Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn hẹp, nguồn vốn một số chương trình không được bố trí kịp thời và đầy đủ theo kế hoạch; mức độ tuân thủ chính sách chưa cao (đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc); công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn nhiều bất cập.

Tích hợp chính sách, hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo

Để thực hiện tốt mục tiêu SDG số 1 về Xóa bỏ đói nghèo, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Lê Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và huy động được sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế; Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người nghèo, phải làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thật sự là chủ thể trong tiến trình giảm nghèo, tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo,an sinh xã hội tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo đã đặt ra trong năm 2019. Về chính sách giảm nghèo, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo…

Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội
Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các Chính sách, Chương trình Giảm nghèo.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân kết hợp với dịch vụ bảo hiểm y tế ngoài công lập; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường;

Tiếp tục công tác tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình.

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020…

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu, đề xuất các phương án điều chỉnh chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và chuẩn nghèo đa chiều trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO