Xã hội

Đắk Glong (Đắk Nông): Những điểm "nghẽn" trong công tác giảm nghèo

Phạm Hoài 25/03/2024 - 20:49

Huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông là 1 trong 22 huyện nghèo của cả nước . Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Glong phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 7%. Qua 3 năm triển khai, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều cao hơn so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, do nhiều diện tích đất của người dân vướng các loại quy hoạch chưa được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện dự án giảm nghèo đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn.

12.jpg
Nhiều diện tích đất nông nghiệp vướng quy hoạch bô -xít ở huyện Đắk Glong, Đắk Nông

Khó triển khai

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ gia đình được vay vốn chính sách 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện một căn nhà. Ngoài những hộ đã được triển khai thực hiện trước đó, còn rất nhiều hộ dân ở một số xã của huyện Đắk Glong nằm trong diện được tiếp cận vốn vay nhưng do đất bị vướng phải quy hoạch bô – xít và vướng quy hoạch du lịch nên chưa thể triển khai được.

Điển hình như gia đình chị H’Ốch, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà. Tuy nhiên phần đất dự định triển khai xây dựng nhà ở cũng vướng ranh giới quy hoạch bô - xít. Chính vì thế cả nhà 5 người của chị H’ốch vẫn phải ở trong căn nhà gỗ đã xuống cấp. “Tôi bị bệnh xơ gan cổ trướng nhưng vì khó khăn không có tiền để chữa bệnh. Căn nhà cũ này được dựng từ lâu nên nhiều tấm ván đã mục nát. Tôi chỉ mong chính quyền cho chúng tôi được xây nhà mới, có như vậy tôi mới yên tâm chữa trị bệnh”. Chị H’ốc chia sẻ.

Tương tự, gia đình của K’Sim bon Sa Diêng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) nằm trong diện được hỗ trợ tiền để xoá nhà tạm. Tuy nhiên, phần đất gia đình đang nằm trong quy hoạch bô-xít nên anh và gia đình vẫn chưa có thể triển khai sửa chữa nhà được. “Gia đình tôi có 4 người và một mẹ già, nhà cửa dột nát hết rồi. Nhà nước cũng đã hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều, tôi tiếp cận được tiền từ chính sách để làm lại nhà nhưng khi làm hồ sơ thì mới biết đất nhà bị vướng quy hoạch bô -xít nên không cấp vốn về được”. Anh K’Sim buồn bã nói.

anh-1-giam-ngheo.jpg
Chị H’Ốch, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê, huyện Đắk GLong bên ngôi nhà của mình vì vướng đất quy hoạch bô-xít nên chưa thể nhận tiền để sửa nhà

Theo ông Lê Văn Đại- Chủ tịch UBND xã Đắk Som (huyện Đắk Glong), do vướng phải quy hoạch bô –xít trên nhiều diện tích đất nên từ năm 2022 đến nay, xã Đắk Som không thể xây dựng các công trình mới. Từ đó dẫn đến việc xã "nợ" gần 20 căn nhà của hộ nghèo. “Hiện địa phương vẫn còn nhiều hộ nghèo và có nhu cầu về nhà ở. Song do vướng hoạch nên không thể xây dựng nhà cho các hộ dân. Hiện nay, nhiều căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng người dân vẫn phải chờ tháo gỡ vướng mắc”. Ông Đại chia sẻ thêm.

Nỗ lực để tháo gỡ

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nam Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, mặc dù huyện và các địa phương đã cố gắng giải ngân các nguồn vốn xoá đói giảm nghèo để bà con nhanh chóng tiếp cận. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là vấn đề quy hoạch về bô-xít và du lịch chiếm diện tích đất của huyện rất lớn. “Phần lớn đất bà con ở và làm nương rẫy dính vào quy hoạch nên khi giải ngân thực hiện là không đúng và chưa phù hợp nên huyện cũng đang gặp khó”. Ông Thuần chia sẻ

“Theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025, đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% cuối năm 2025; phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong từ 1,8 lần so với năm 2020; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin...Tuy nhiên, nếu vấn đề quy hoạch không có hướng tháo gỡ thì địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện”. Ông Thuần khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, trước thực tế đó, huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng, trực tiếp giải quyết và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết những vấn đề về đất đai cho người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

Căn cứ vào quy hoạch để sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, giáo dục, sản xuất, công trình cấp bách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, qua nhiều cuộc họp với lãnh đạo tỉnh UBND huyện cũng đã có những đề xuất, kiến nghị để sớm có những biện pháp cũng như định hướng cụ thể nhằm giúp huyện có căn cứ để triển khai giải ngân vốn giúp chương trình xoá đói giảm nghèo sớm đạt kết qủa thực tiễn.

anh-2(2).jpg
Nhiều khu vực không vướng quy hoạch bô -xít huyện đã bố trí và người dân phát triển kinh tế giảm nghèo rất hiệu qủa

Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 1.11.2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025. Theo quyết định này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 13 mỏ bô xít nằm trên địa bàn các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R'lấp, Đắk Mil và thành phố Gia Nghĩa.

Hiện nay, có khoảng 158.540ha đã được thăm dò nhằm phục vụ cho việc khai thác khoáng sản bô xít với trữ lượng ước tính khoảng 1,436 tỉ tấn quặng tinh, tương đương khoảng 3,424 tỉ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. “Theo quy hoạch mới số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 thì toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1/3 diện tích đất tự nhiên bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất giao thông, đất rừng… đang vướng phải quy hoạch khai thác khoáng sản bô xít so với quy hoạch cũ có tăng thêm" . Ông Yên chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đến nay đạt rất thấp, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất. Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai, bà Hạnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần phối hợp, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ. Trường hợp cần xin hướng dẫn của Trung ương thì các sở, ngành, địa phương phải chủ động tham mưu để tỉnh trình các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải.

Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. Đồng thời, tỉnh Đắk Nông cũng phấn đấu sẽ trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong (Đắk Nông): Những điểm "nghẽn" trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO