Thời sự

Đông Xuân 1953 - 1954

TS Nguyễn Văn Quyền - Viện Lịch sử quân sự 02/05/2024 - 19:56

(TN&MT) - Hoạt động của Việt Nam trong Đông - Xuân 1953 - 1954 đã làm đảo lộn thế bố trí của Pháp trên các chiến trường, làm đổi thay bàn cờ chiến cuộc Đông Xuân, tạo điều kiện chín muồi cho chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đi tới thắng lợi.

Cục diện chiến trường Việt Nam và Đông Dương

Sau 8 năm cả nước thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cục diện chiến trường Việt Nam và Đông Dương đã có nhiều thay đổi.

Về phía ta, lực lượng vũ trang 3 thứ quân ngày càng phát triển. Bộ đội chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh, bộ đội chủ lực của các phân khu, liên khu, bộ đội địa phương các tỉnh, huyện trong cả nước đã lên tới 300 nghìn người. Các binh đoàn chủ lực trưởng thành nhanh chóng. Đến năm 1953, ta đã có 6 đại đoàn chủ lực (Đại đoàn 308, 304, 312, 316, 325, 320), 1 đại đoàn công pháo (Đại đoàn 351) và các trung đoàn độc lập 148, 246. Đầu tháng 4, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn phòng không 367 trực thuộc Bộ. Mặc dù số tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 binh lực địch nhưng chúng ta vượt trội địch về lực lượng cơ động chiến lược. Cũng đầu năm 1953, phong trào giải phóng lan rộng, các vùng tự do trong cả nước được mở rộng và củng cố. Chiến tranh du kích các vùng sau lưng địch phát triển. Thế và lực cuộc kháng chiến của ta ngày càng vững mạnh.

1.-ngay-20-11-1953-phap-bat-dau-nhay-du-xuong-dien-bien-phu-thuc-hien-y-do-bien-noi-day-thanh-phao-dai-bat-kha-xam-pham..png
Ngày 20-11-1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, thực hiện ý đồ biến nơi đây thành pháo đài bất khả xâm phạm.

Về phía địch, đến cuối năm 1953, trước sự lớn mạnh của bộ đội chủ lực Việt Minh và sự phát triển của chiến tranh du kích, quân Pháp trên chiến trường Đông Dương đã lâm vào tình trạng khốn cùng. Tuy quân số của chúng tăng lên đến khoảng 465 nghìn với trên 120 nghìn lính Âu - Phi, số còn lại là quân ngụy ô hợp nhưng tinh thần của chúng bạc nhược, bi quan; lúng túng giữa phân tán và tập trung, cơ động và chiếm đóng. Vùng chiếm đóng của chúng càng ngày càng bị thu hẹp và không ổn định. Trên khắp chiến trường Đông Dương mà đặc biệt là Việt Nam, một mặt quân Pháp bị đánh thiệt hại và ngày càng lún sâu vào thế bị động chống đỡ, một mặt, chúng phải đối mặt với phong trào phản đối chiến tranh Đông Dương đang lan rộng mạnh mẽ tại Pháp khiến chính phủ La-ni-en ở Pháp phải tính nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, quân sự, kinh tế và tiến tới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh.

Lập trường này của Pháp cũng được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Gioóc-giơ Bi-đôn tuyên bố tại cuộc hội đàm ở Oa-sinh-tơn giữa 3 bên Mỹ, Anh, Pháp. Pháp muốn giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương trong đàm phán nhưng là đàm phán trên thế mạnh. Đế quốc Mỹ với mưu đồ ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa xuống vùng Đông Nam Á và sau này sẽ hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương đã tăng cường viện trợ cho Pháp và ép Pháp tiếp tục duy trì chiến tranh, giữ Đông Dương trong địa bàn của chủ nghĩa đế quốc.

Với ý đồ đó, Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Pháp nuôi chiến tranh. Lợi dụng việc Pháp cầu cứu viện trợ do gia tăng các hoạt động quân sự nhưng không gánh vác nổi chi phí, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Dông Dương. Viện trợ của Mỹ năm 1951 chiếm 12% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, đến năm 1953 đã tăng lên tới 71%.

Sau khi Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua Kế hoạch Na-va (24/7/1953), Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhanh chóng triển khai kế hoạch này. Đến cuối năm 1953, tổng số các đơn vị của Pháp và của Chính phủ Bảo Đại tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ đã lên tới 112 tiểu đoàn, trong đó có 44 tiểu đoàn cơ động. Cùng với tăng cường và tập trung lực lượng cơ động, Bộ Chỉ huy Pháp tổ chức liên tiếp các cuộc hành quân, càn quét, bình định vùng chiếm đóng và đánh ra vùng do các lực lượng kháng chiến kiểm soát nhằm phá sự chuẩn bị tác chiến của ta.

Chủ trương, kế hoạch tác chiến của Đảng ta

Đầu tháng 10/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, bàn về kế hoạch, nhiệm vụ Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi cân nhắc các phương án tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng và ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta, trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Trong Đông Xuân 1953 - 1954, bộ đội chủ lực dự kiến hoạt động trên ba hướng: Tây Bắc; Thượng Lào; hướng Trung Lào, Hạ Lào và hướng Tây Nguyên; hướng phối hợp là trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

2.1.-da-co-chu-thich-trong-anh.png

Ngày 19/11/1953, Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập hội nghị phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Cũng thời điểm đó, Bộ Chỉ huy Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng cuộc hành binh mang tên Cát-stơ (Hải Ly). Từ đây, chiến trường Tây Bắc xuất hiện yếu tố mới: Điện Biên Phủ trở thành địa điểm thứ hai ở khu vực Tây Bắc, cùng với Lai Châu, có quân Pháp chiếm giữ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua báo cáo của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Ngày 29/12/1953, Cơ quan tiền phương chiến dịch họp tại hang Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), họp bàn kế hoạch tác chiến, dự kiến phương châm tác chiến chiến dịch là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngay sau khi đến Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hội ý Đảng ủy Mặt trận. Ý kiến chung nêu ra là cần đánh sớm trong lúc địch chưa tăng quân và củng cố hệ thống phòng ngự, có khả năng giành thắng lợi trong thời gian ngắn.

Ngày 14/1/1954, hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến được tổ chức tại hang Thẩm Púa, với sự tham dự của cán bộ chủ chốt các đơn vị tham gia chiến dịch. Trên cơ sở phân tích tình hình địch ta, kế hoạch tác chiến dự kiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” là tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực đột phá từ phía tây rồi nhanh chóng đánh vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời đánh mạnh từ phía đông. Trận đánh dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm; thời gian dự định nổ súng mở màn chiến dịch là ngày 20/1/1954.

2.2.-so-chi-huy-chien-dich-hop-tai-tham-pua.-cuc-truong-cuc-tac-chien-tran-van-quang-dung-sau-dai-tuong-vo-nguyen-giap.-anh-trieu-dai..png
Sở chỉ huy chiến dịch họp tại Thẩm Púa. Cục trưởng Cục Tác chiến Trần Văn Quang đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Triệu Đại.

Quá trình Kết thúc hội nghị, Đảng ủy Mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch cùng các đơn vị được phân công nhiệm vụ chiến đấu trên các mũi, các hướng khẩn trương chuẩn bị các công việc cuối cùng cho ngày nổ súng dự kiến là 20/1/1954.

Do không lường hết những khó khăn nên công tác chuẩn bị không đạt được như dự kiến, đặc biệt là việc kéo pháo vào trận địa. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định lùi thời gian nổ súng thêm 5 ngày, dự kiến chiều 25/1 sẽ mở màn chiến dịch. Tuy nhiên, do gần đến ngày nổ súng, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị quân báo của Pháp bắt, đề phòng ngày giờ nổ súng bị lộ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tiếp túc quyết định lùi giờ nổ súng thêm 24 tiếng, đến 17 giờ ngày 26/1/1954.

Mọi công tác chuẩn bị cuối cùng được khẩn trương hoàn tất.

Chuyển phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”

Vấn đề quan trọng nhất lúc này đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cân nhắc lựa chọn phương châm tác chiến chiến dịch sao cho phù hợp, bảo đảm chắc thắng. Sau cuộc họp bàn ngày 14/1/1954, nhận thấy có điều không ổn nếu thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, Đại tướng chỉ thị cho các cơ quan tham mưu, tác chiến, quân báo, bảo đảm cung cấp… phải thường xuyên theo dõi tình hình địch để báo cáo kịp thời.

Theo thông tin ta nắm được, lúc này, số quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã lên tới 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh tinh nhuệ; 3 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn công binh; 1 đại đội 10 xe tăng M24; 1 đại đội 200-tô vận tải; 1 phi đội máy bay khu trục, trinh sát (12 chiếc, sau tăng lên 14),… Bộ Chỉ huy Pháp tổ chức hệ thống bố phòng gồm 49 cứ điểm lớn nhỏ với 8 trung tâm đề kháng được tổ chức thành 3 phân khu. Toàn bộ các cứ điểm, cụm cứ điểm bố trí trong thung lũng Điện Biên.

Phân tích cục diện chiến trường và theo sát diễn biến hiện tại, chỉ ra 3 khó khăn nếu ta thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, trong suy nghĩ của Chỉ huy trưởng chiến dịch hình thành ngày càng rõ quyết định phải chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để vừa có thể đánh thắng, vừa bảo toàn được lực lượng.

3.jpg
Tiễn Đại tướng lên đường đi chiến dịch ĐBP, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng: " Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Đây là mục tiêu quan trọng nhất để Đại tướng trên cơ sở nắm tình hình chiến trường, đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc".

Sáng sớm 26/1/1954, sau khi Đại tướng chủ động gặp, trao đổi với Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh về việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, một cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận nhanh chóng được triệu tập. Với những lập luận và phản biện sắc bén của Đại tướng, dù vẫn còn một vài ý kiến băn khoăn nhưng về cơ bản thấy rõ, không ai nhìn thấy một kết quả chắc chắn nếu ta triển khai phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, đó là chưa kể tới thương vong mà ta phải đối mặt khi tương quan lực lượng, hình thái chiến trường ngay lúc đó có sự chênh lệch có lợi cho địch.

Quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; được kết luận tại hội nghị. Ngày 27/1/1954, Đại tướng gửi thư báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị.

Cùng với hoãn lệnh cho các đơn vị trên toàn tuyến chiến đấu lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, công tác tư tưởng chính trị được đẩy mạnh bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, ta đồng thời thực hiện các hướng tiến công nghi binh thu hút sự chú ý của hỏa lực địch để hỗ trợ các đơn vị kéo pháo ra. Một cuộc tổng chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” bắt đầu, rất khẩn trương và to lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Xuân 1953 - 1954
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO