Xã hội

Ba Chẽ (Quảng Ninh): Tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng gỗ lớn

Phạm Hoạch 03/04/2024 - 14:41

(TN&MT) - Những năm qua, huyện miền núi Ba Chẽ đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương phù hợp cho phát triển rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu, nhằm đưa ngành lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân và vùng đồng bào DTTS.

Phủ xanh núi rừng

Được thiên nhiên ưu đãi với trên 90% là rừng và đất rừng, huyện Ba Chẽ chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ loài cây sinh trưởng nhanh như keo, bạch đàn cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi, quế.

Cùng với đó, đầu năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết số 15 nhằm bổ sung nguồn lực để khuyến khích gia tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa, qua đó giúp các chủ rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy gia tăng giá trị rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên rừng tại địa phương.

anh-bc-01.jpg
Đồng bào vùng DTTS tại huyện Ba Chẽ tích cực tham gia trồng rừng gỗ lớn, góp phần tạo sinh kế lâu dài

Nhờ vậy, trồng rừng sản xuất dần trở thành phong trào phát triển rộng lớn, được bà con trên địa bàn huyện hưởng ứng. Nhờ vậy, diện tích trồng rừng mới toàn huyện Ba Chẽ trong 3 năm qua đạt hơn 10.730 ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 2.301ha, chiếm 21,4% tổng diện tích rừng trồng mới, trong đó trồng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao như cây lim, lát, giổi là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.

Bên cạnh những khu vực được quy hoạch, người dân và đồng bào vùng DTTS của huyện Ba Chẽ còn trồng gần 37.000 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, vừa tạo việc làm và thu nhập cho bà con.

Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân dồn lực chuyển đổi cơ cấu từ cây keo giá trị thấp ngắn ngày, khiến đất bạc màu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng những loại cây dược liệu cho giá trị cao. Trong đó, mục tiêu Ba Chẽ đưa ra phấn đấu mỗi hộ trồng rừng đảm bảo tiêu chí đưa sản phẩm lâm sản ra thị trường và phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn rừng bền vững.

Trao đổi với PV, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Qua từng năm, những cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng gỗ lớn cho thu nhập, tiếp đó là quế, hồi, sa mộc cho thu hoạch, giúp người dân và đồng bào vùng DTTS có thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng như có điều kiện chăm sóc những cánh rừng lim, lát, giổi phát triển nhiều năm về sau.

Phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ đang tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá nghề rừng. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.

Cùng với đó, huyện Ba Chẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh để kinh doanh rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định, để người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số an tâm bám đất, bám rừng, vươn lên làm giàu.

anh-bc-02.jpg
Người dân huyện miền núi Ba Chẽ chuyển đổi diện tích rừng cho giá trị thấp sang trồng cây dược liệu, cho thu nhập cao, ổn định cuộc sống

Cùng với đó, địa phương từng bước cơ cấu lại rừng sản xuất, chuyển đổi dần các loại cây có giá trị kinh tế thấp như keo, bạch đàn sang các loài cây có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, dần tạo vùng nguyên liệu lớn để tập trung cho chế biến sâu như cây quế, thông tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho xuất khẩu. Phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 15.000 ha bao gồm cả rừng gỗ lớn.

Bà Chu Thị Lan, thôn Khe Áng, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Dưới những tán rừng quế, keo gia đình tôi đã chủ động trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như gừng, sắn, khoai sọ, giúp gia đình có thêm thu nhập. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi hiện có hơn chục ha, hầu hết là keo đã khép tán, cây phát triển tốt, 4-5 năm nữa thì được khai thác sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Hiện tại, gia đình tôi cũng đã chuyển một phần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, xen lẫn cây dược liệu với mong muốn có thu nhập cao, giúp nâng cao cuộc sống.

Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ phấn đấu năm 2023 thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng, tăng 67,3 triệu đồng so với năm 2010. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo, theo tiêu chí chuẩn nghèo của Trung ương.

Trong những năm tới, Ba Chẽ tập trung thực hiện các giải pháp khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng cảnh quan, sinh thái theo hướng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường như lim, lát, giổi và các loại cây dược liệu có giá trị cao. Qua đó, duy trì độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên 72% góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, tại sinh kế bền vững cho người dân địa phương- Ông Vi Thanh Vinh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Chẽ (Quảng Ninh): Tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO