Tuyên Quang: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Bài và ảnh: Thanh Phúc| 27/03/2015 14:46

(TN&MT) - Tỉnh Tuyên Quang có 446.691 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thì diện tích rừng sản xuất của tỉnh hiện là 272.552 ha, trong đó diện tích rừng trồng là 129.213 ha… đây là một lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Giai đoạn 2011 - 2014, bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác được 334.138 m3 gỗ rừng trồng, bước đầu đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có một số nhà máy sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng lớn như: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Chế biến Lâm sản Tuyên Quang, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang... Việc thu mua lâm sản hiện nay thực hiện theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động của các nhà máy lớn trên địa bàn. Hiện gỗ rừng trồng đang có thị trường tiêu thụ trong nước khá ổn định, hàng năm các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh thu mua, tiêu thụ có sự cân đối giữa cung và cầu.

22(1).jpg

Chăm sóc bảo vệ rừng

Với mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu cung cấp đủ theo công suất thiết kế các nhà máy và các cơ sở chế biến lâm sản lớn trên địa bàn. Hiện có 5 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng diện tích 16.832 ha; tổng diện tích quy hoạch cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh là 201.420 ha. Trong đó, riêng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa là 163.836 ha; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang diện tích 4.630 ha; Nhà máy sản xuất đũa Phúc Lâm, diện tích 2.627 ha; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Nà Hang, diện tích 22.791 ha; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương, diện tích 8.013,9 ha...

Mặc dù vậy, việc thu mua nguyên liệu của các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, thời gian qua, việc thu mua liên tục khó khăn bởi yếu tố cạnh tranh dần đến không đủ nguyên liệu cho sản xuất, có thời điểm nhà máy phải sản xuất cầm chừng. Năm 2014 nguyên liệu chỉ đáp ứng chưa được 80% công suất của nhà máy. Để sản xuất ổn định, công ty đã xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cho mình; tuy nhiên, ở giai đoạn này là chưa thể thực hiện bởi nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này là rất lớn.

23a.jpg

Ươm giống trồng rừng

Bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp đã có lời giải tại các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp. Bằng hình thức giao khoán trồng và chăm sóc rừng cho người dân; các công ty cung cấp giống, vật tư kỹ thuật, quản lý nguời dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được huởng 70% nguồn lợi sau thu hoạch. Việc thực hiện liên doanh, liên kết trồng rừng thông qua hợp đồng, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho nhân dân sống gần rừng có thêm thu nhập, tham gia tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu trồng 48.000 ha, bình quân mỗi năm 9.600 ha rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác trên 800.000 m3/năm, trong đó 20% là gỗ chế biến; 80% gỗ nguyên liệu giấy, đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy, cơ sở chế biến của tỉnh. Để hoàn thành các mục tiêu trên, ngành lâm nghiệp tỉnh hướng tới quản lý bền vững tài nguyên và tiếp cận với thị trường quốc tế về sản phẩm hàng hóa, cũng như nguyên liệu chế biến từ rừng; qua đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người làm rừng. Đồng thời rất cần có sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã được tỉnh phê duyệt tham gia thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO