Trồng rừng gỗ lớn đang phát triển mạnh ở huyện biên giới Quế Phong
Nghệ An là tỉnh sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh mẽ, những năm qua Nghệ An đang hướng mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn. Tại huyện biên giới Quế Phong, mô hình này đang được phát triển mạnh giúp người dân địa phương giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, ý nghĩa của chủ trương phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Quế Phong nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung?
Ông Nguyễn văn Sinh: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 1.008.740,67 ha đất có rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 788.991,1 ha; diện tích rừng trồng là 219.749,57 ha (bao gồm: 173.905,87 ha rừng trồng đã thành rừng; 45 .843,7 ha rừng trồng chưa thành rừng).
Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 18.000 ha rừng tập trung. Trong đó, diện tích rừng trồng chủ yếu là các loài Keo thuần loài với tổng diện tích là 178.104,08 ha chiếm tỷ lệ 81,04% diện tích rừng trồng cả tỉnh. Diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu được trồng cho mục tiêu gỗ nhỏ cung cấp nguyên liệu cho gỗ băm, bột giấy với chu kỳ kinh doanh ngăn từ 05 – 07 năm. Sau thời gian phát triển rừng trồng ở Nghệ An, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đã có những nghiên cứu, đánh giá và chỉ ra những tồn tại hạn chế đối với các mô hình trồng rừng nguyên liệu hiện nay như sau:
Một là, về mặt kinh tế: Năng suất và chất lượng, giá trị rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 15 - 25m³/ha/năm; sản lượng khai thác bình quân dao động từ 70m3/ha - 180m3/ha; với giá bán cây đứng chỉ đạt từ 70-100 triệu đồng/ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh hàng năm đạt khoảng 1.500.000m3, cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm gỗ, ván MDF, ván ghép thanh… Trong đó, gỗ nhỏ làm nguyên liệu dăm gỗ chiếm hơn 70% sản lượng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, diện tích trồng rừng thâm canh còn ít, bình quân mỗi năm chỉ trồng được 200 ha chủ yếu trong phần diện tích trồng rừng của các công ty lâm nghiệp, chiếm 1,1% diện tích trồng rừng hàng năm của tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn chế biến trong nước.
Hai là, về mặt môi trường: Do chu kỳ kinh doanh ngắn chỉ từ 5 -7 năm/chu kỳ, nên quá trình hoàn trả lại của rừng lại cho đất chưa có. Vì vậy, những khu vực trồng rừng nguyên liệu nhỏ đang bộc lộ nhiều vấn đề về môi trường ngày càng rõ nét: Đất rừng bị thoái hoá nhanh, kết cấu tầng đất mặt bị phá vở, nguồn nước ngầm bị suy giảm và tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...
Ba là, về mặt thị trường: Xu hướng phát triển và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản... đang đặt ra đó là các sản phẩm được sản xuất từ gỗ lớn và gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng, được quản lý theo hướng bền vững.
Ngoài ra, về mặt xã hội: Việc phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ đòi hỏi huy động lượng lớn lực lượng lao động và khả năng đáp ứng nguồn lực lao động bền vững đang là vấn đề thách thức hiện nay.
Huyện Quế Phong là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với tổng diện tích là 177.727,4 ha. Ngoài những đặc điểm chung về rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An như đã nêu trên thì ở huyện Quế Phong còn có một số hạn chế đặc thù như sau: Khoảng cách đến các nhà máy, trung tâm chế biến xa nên chi phí, giá thành vận chuyển lớn; tiền công lao động cao; một số vùng sâu, vùng xa có khí hậu đặc thù không phù hợp cho phát triển của cây Keo (loài chủ lực của rừng trồng hiện nay)... Vì vậy, hiệu quả kinh doanh rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ rất thấp.
Từ những nguyên nhân, hạn chế trên đối với mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ đang đặt ra cho ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quê Phong nói riêng phải từng bước chuyển đổi phát triển sang mô hình trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng với các loài cây bản địa, cây đặc sản có giá trị cao để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Vậy xin ông cho biết, huyện Quế Phong đã triển khai mô hình từ khi naÒ và quá trình thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyên Văn Sinh: Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, từ năm 2017, huyện Quế Phong đã bắt đầu triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn và trồng các loài cây bản địa, cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Quá trình triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn có những thuận lợi, khó khăn nhất định.
Theo đó, việc triển khai thực hiện mô hình trồng cây gỗ lớn trên địa bàn huyện Quế Phong cũng nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Huyện uỷ, UBND huyện. Đặc biệt, Huyện uỷ đã có Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc chuyển đổi sang mô hình trồng rừng gỗ lớn và cây bản địa, cây đặc sản.
Trên địa bàn huyện Quế Phong đã có một số loài cây gỗ lớn, cây đặc sản đã khẳng định được vị thế và đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã có kinh nghiệm trong công tác trồng, chăm sóc.
Tuy nhiên, việc triể khai cũng còn không ít khó khăn, đặc biệt là về mặt đất đai khi quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ (mỗi hộ gia đình chỉ 1-2ha), số hộ có diện tích đất lâm nghiệp trên 5ha rất ít. Công tác giao đất lâm nghiệp cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương còn chậm. Nhiều chủ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để đủ điều kiện tham gia các cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Về nguồn vốn: Các hộ gia đình chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên xu hướng của các hộ gia đình vẫn duy trì trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập. Mặt khác, do kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài hơn kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ (bột giấy, băm dăm,...), chi phí đầu tư lớn hơn, trong khi việc vay vốn sản xuất của các tổ chức, hộ gia đình rất khó khăn; kinh phí nuôi dưỡng rừng chủ yếu do các chủ rừng tự huy động, do đó chưa có điều kiện phát triển kinh doanh gỗ lớn.
Bên cạnh đó, thị trường giá cả thiếu ổn định, chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, chính sách quản lý thu mua còn nhiều bất cập là yếu tố hạn chế tới việc khuyến khích người dân và các nhà đầu tư trong việc liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
PV: Xin ông cho biết kết quả quả bước đầu của chủ trương triển khai trồng cây gỗ lớn trong việc giúp người dân địa phương giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như tác dụng về bảo vệ môi trường?
Ông Nguyên Văn Sinh: Thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn và trồng cây bản địa, cây đặc sản, từ năm 2017 đến nay với việc áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh Nghệ An và chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Quế Phong tổ chức triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn và trồng cây bản địa được 707,23 ha với 1.575 hộ gia đình tham gia. Các loài cây trồng chủ yếu là Keo tai tượng Úc và Quế Quỳ. Trong đó, diện tích rừng trồng Keo tai tượng Úc là 465,04 ha, diện tích Quế Quỳ là 242,19 ha.
Các mô hình này bước đầu đã tạo thu nhập cho người dân địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và hạn chế được các rũi ro về môi trường so với trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ. Đặc biệt là các mô hình trồng rừng Quế Quỳ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, người dân có thu nhập ổn định thông qua các sản phẩm phụ từ rừng. Hiện nay, người dân địa phương đã mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư trồng Quế Quỳ và một số hộ gia đình đang chuyển dần từ đầu tư trồng Keo sang đầu tư trồng Quế Quỳ cho thu nhập cao hơn và ổn định hơn.
Mặt khác, cùng với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, thì rừng sản xuất được phát triển thành rừng gỗ lớn cũng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.