Câu chuyện môi trường

Tín chỉ carbon góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học

Đình Tiệp 16/12/2024 - 14:35

Nguồn thu chuyển nhượng tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Vì thế, tín chỉ carbon đang và sẽ trở thành một công cụ quan trọng trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở nhiều khu vực, trong đó có tỉnh Nghệ An.

“Kho báu” của Nghệ An

Nghệ An hiện có hơn 1 triệu héc ta rừng và đất lâm nghiệp, là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở 11 huyện miền Tây Nghệ An (chiếm 84% diện tích cả tỉnh), có đặc điểm địa hình miền núi cao rất thuận lợi cho phát triển nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó có Lâm nghiệp như: kinh tế rừng (khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), trồng dược liệu, sản xuất nông sản sạch (chăn nuôi, trồng trọt), phát triển du lịch…

Miền Tây xứ nghệ với điểm nhấn là Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, là một trong những khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nơi có sự đa dạng sinh học rất lớn. Cùng với đó là diện tích rừng rộng lớn của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đất Nông Lâm trường. Đây không những là khu vực có giá trị lớn về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển. Do vậy, ngay từ khi Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (ngày 18/9/2007), tỉnh Nghệ An đã xây dựng chương trình hành động và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu Khu dự trữ sinh quyển. Và một trong những giải pháp đó là xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế rừng.

1(2).jpg
Nghệ An có tiềm năng lớn với vốn tài nguyên rừng giàu có.

Điểm sáng trong huy động nguồn lực đầu tư vào khu vực này đó là nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu này đã góp phần hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; góp phần quan trọng cho cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là tạo diện mạo mới cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Nghệ An trở thành một trong sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được thực hiện thí điểm về Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ - ERPA).

Kỳ vọng tín chỉ carbon sẽ “nâng tầm” rừng xứ Nghệ

Năm 2007, trên thế giới hình thành thị trường tín chỉ các-bon rừng, đây là cơ chế khẳng định rõ các hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng góp phần tích cực làm giảm phát thải khí nhà kính (REDD); cho phép chuyển quyền các-bon được tạo ra từ các hoạt động REDD. Việt Nam đã tham gia thực hiện sáng kiến REDD+ và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An là đối tác quan trọng của Dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2016, với mục tiêu thực hiện các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Và thành quả đó đã đến từ năm 2020, khi thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, gọi tắt là ERPA được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An là cơ quan thực hiện hoạt động quản lý nguồn thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bao gồm hoạt động điều phối nguồn thu, hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá, hoạt động truyền thông và hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại, phản hồi. ERPA chi trả cho các hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp và hỗ trợ phát triển sinh kế cho các cộng đồng tham gia hoạt động quản lý rừng.

4(1).png
3(1).png
2(1).png
Người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Nghệ An có được nguồn thu này cùng với các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng khác là động lực cũng là trách nhiệm để công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn, bền vững hơn; đồng thời nguồn thu này góp phần đáng kể vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người ngày đêm đóng góp công sức để bảo vệ rừng.

Qua chuyến đi khảo sát cơ sở để đánh giá tác động ban đầu của chương trình này từ các hoạt động đã thực hiện cho thấy những kết quả tích cực.

Đối với công tác bảo vệ rừng: Nguồn thu này đã bổ sung nguồn lực cho công tác quản lý rừng, tuần tra bảo vệ rừng của các chủ rừng; theo dõi diễn biến rừng và phát hiện kịp thời các hoạt động khai thác trái phép. Đồng thời cũng đã thu hút được đông đảo người dân tham gia bảo về rừng, là cầu nối giữa cộng đồng dân cư với các chủ rừng là tổ chức thông qua hoạt động khoán bảo vệ rừng, cùng tham gia quản lý rừng...

Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học: Theo đó, nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon góp phần cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, như quản lý khu bảo tồn, các hoạt động nghiên cứu và giáo dục môi trường. Thông qua chương trình này đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của rừng và đa dạng sinh học, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn.

6.jpg
Công nghệ bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Bên cạnh đó là tạo thêm nguồn lực cho người dân trồng rừng, tham gia tích cực thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn nhằm gia tăng giá trị của rừng, góp phần cải thiện thu nhập cho người trồng rừng, cung cấp các giải pháp sinh kế bền vững cho người dân địa phương như trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, phát triển nông nghiệp hữu cơ.

7.png
Mô hình trồng cây bản địa (Lùng) tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu.

Chương trình này cũng tác động tích cực đến cộng đồng như: Hỗ trợ cho các cộng đồng thực hiện các công trình công cộng của cộng đồng sống gần rừng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa... các công được hỗ trợ xây dựng, đã góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sự phát triển của các mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, chương trình còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhiều người dân đã trở thành những “nhà bảo vệ môi trường” tích cực.

8.jpg
Một công trình có sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu ERPA.

Với những kết quả đáng ghi nhận của giai đoạn đầu thực hiện thoả thuận chi trả giảm phát thải nhà kính, là động lực quan trọng để tiếp tục phát huy và vươn lên hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch của chương trình ERPA; góp phần vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nâng giá trị rừng ở Nghệ An lên một tầm cao mới. Điều này cần được duy trì và phát triển để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Đây cũng là đóng góp vào thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín chỉ carbon góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO